Trường hợp bồi thường chi phí đào tạo
Khi đồng ý cho người lao động (NLĐ) đi học, các cơ quan, đơn vị thường buộc NLĐ phải cam kết làm việc cho cơ quan, đơn vị trong một thời gian nhất định. Nếu vì lý do riêng mà xin nghỉ việc, NLĐ sẽ bị yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo.
Điều đó nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng lao động, tránh tình trạng NLĐ vừa được đào tạo xong lại đi phục vụ cơ quan, đơn vị khác. Quy định pháp luật lao động về trường hợp này như sau:
Bộ luật lao động hiện hành tại khoản 3 Điều 41 quy định :
“Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường chi phí đào tạo (nếu có) theo quy định của Chính phủ”. Điều 13 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/5/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động về Hợp đồng lao động quy định:
“Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường chi phí đào tạo… trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà thực hiện đúng và đủ các quy định tại Điều 37 của Bộ luật lao động đã sửa đổi, bổ sung.”. Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh và xã hội hướng dẫn Điều 13 Nghị định số 44 tại khoản 4 mục III hướng dẫn rõ hơn cách thức thực hiện đó là, người lao động và người sử dụng lao động phải ký văn bản thoả thuận về việc người sử dụng lao động bỏ kinh phí để đào tạo người lao động thì người lao động phải có có trách nhiệm trở lại làm việc cho người sử dụng lao động trong một thời gian nhất định do hai bên thoả thuận. Trường hợp người lao động tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường chi phí đào tạo, trừ trường hợp quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động. Điều 37 khoản 3 Bộ luật lao động quy định:
“Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày…”.
Như vậy, theo các quy định hướng dẫn Bộ luật lao động nêu trên, có nghĩa rằng, người lao động có ký văn bản cam kết với người sử dụng lao động về việc phải làm việc cho người sử dụng lao động một thời gian sau khi được đào tạo và phải bồi thường chi phí đào tạo khi vi phạm cam kết này hay không cũng không có ý nghĩa gì khi người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn muốn chấm dứt hợp đồng lao động chỉ cần báo trước với người sử dụng lao động 45 ngày. Bốn mươi lăm ngày báo trước thực sự là một điều kiện rất dễ mà người lao động nào cũng có thể thực hiện được và như vậy là hết trách nhiệm và không phải bồi thường gì cả cho dù người sử dụng lao động có bỏ ra bạc tỷ để đào tạo người lao động. Điều này vô hình chung đã làm vô hiệu hoá hiệu lực những cam kết về đào tạo được các bên xác lập trong hợp đồng lao động hay một thoả thuận riêng bằng văn bản về đào tạo đi kèm giữa người lao động và người sử dụng lao động, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.