1. Khái niệm về giải quyết tranh chấp lao động
Khái niệm tranh chấp lao động lần đầu tiên được ghi nhận trong Bộ luật lao động năm 1994, Luật lao động quy định rằng: “tranh chấp lao động là những tranh chấp về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương và các điều kiện lao động khác, về việc thực hiện Hợp đồng lao động, thoả ước tập thể và trong quá trình học nghề”. Hiện nay khái niệm tranh chấp lao động được quy định: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa NLĐ với NSDLĐ và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với NSDLĐ” (Khoản 7 Điều 3 BLLĐ năm 2012).Tuy có được sự giải thích về nội hàm nhưng quy định đó của BLLĐ chưa chỉ rõ được bản chất của tranh chấp lao động. Do đó, muốn hiểu được một cách thấu đáo cần đi vào tìm hiểu một số khía cạnh căn bản của tranh chấp lao động.
2. Đặc điểm của tranh chấp lao động
Một tranh chấp lao động sẽ mang những đặc điểm sau:
- Tranh chấp lao động phải là sự xung đột giữa các chủ thể trong quan hệ lao động;
- Sự xung đột đó diễn ra trong quá trình lao động;
- Sự xung đột giữa các bên tranh chấp phải gắn với, xuất phát từ quyền, lợi ích của các bên liên quan đến quá trình lao động đó mà không phải là các quyền, lợi ích khác ngoài quá trình lao động;
- Xung đột giữa các bên nói ở trên phải được thể hiện qua một hình thức nhất định và biểu đạt rõ yêu cầu của một hoặc tất cả các bên về sự giải quyết tranh chấp lao động đó.
Như vậy, cũng cần phải phân biệt tranh chấp lao động với các vụ việc về lao động. Các vụ việc về lao động bao hàm cả các tranh chấp lao động. Hay nói cách khác, tranh chấp lao động là một dạng của vụ việc về lao động. Song, ngược lại, một vụ việc lao động nhất định chưa hẳn đã là tranh chấp lao động. Sự phân biệt này rất quan trọng, kể cả về phương diện lí luận và thực tiễn.
3. Các dạng tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Trong Luật lao động, người ta phân định tranh chấp lao động làm 02 loại, tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Sau đây chúng ta xem các nhóm tranh chấp lao động được phân loại và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:
1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, hoà giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoà giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hoà giải không thành hoặc không hoà giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động; về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết.
3. Các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định.
4. Thời hiệu khởi kiện vụ án lao động
Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu khởi kiện vụ án lao động là thời hạn mà hết thời hạn đó người lao động hoặc người sử dụng lao động mất quyền khởi kiện. Pháp luật hiện nay, quy định thời hiệu khởi kiện vụ án lao động như sau:
1. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được quy định như sau (Điều 167 Bộ Luật lao động)
a. Một năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với các tranh chấp lao động sau:
- Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
b. Một năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với tranh chấp giữa người lao động đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động hoặc với cơ quan bảo hiểm xã hội, giữa người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội.
c. Ba năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
d. Sáu tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với các loại tranh chấp khác.
2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể là một năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích của mình bị vi phạm (Điều 171a Bộ luật lao động).
Lưu ý là hiện nay, hết thời hiệu khởi kiện vẫn có thể thực hiện việc khởi kiện, Tòa án vẫn phải thụ lý giải quyết vụ việc nhưng trong điều kiện, một trong các bên không yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện để giải quyết vụ việc.
5. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Tòa án
Hiện nay, Bộ Luật tố tụng dân sự phân định thẩm quyền thụ lý giải quyết các vụ án lao động theo nhiều cách thức, tạm xác định là có 03 vấn đề khi xác định thẩm quyền giải quyết vụ án lao động, cụ thể như sau:
a. Thẩm quyền Tòa án theo cấp
a. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân.
b. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết:
+ Tranh chấp lao động tập thể về quyền.
+ Tranh chấp lao động cá nhân mà đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài.
b. Thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ
- Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức;
- Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động.
c. Thẩm quyền Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn
- Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
- Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
- Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
- Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
- Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.
* Chú ý: Điều 32a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự (năm 2011) còn quy định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức như sau:
“1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dan sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Trong trờng hợp này, cơ quan, tổ chức, ngời có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng.
2. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy quy định tại khoản 1 Điều này, thì quyết định cá biệt đó được Tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật tố tụng hành chính”.
6. Hướng dẫn lập hồ sơ khởi kiện vụ án lao động
Hồ sơ khởi kiện vụ án lao động tại Tòa án thông thường bao gồm:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu) và các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện;
- Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân (hoặc hộ chiếu), Sổ hộ khẩu gia đình (có sao y bản chính);
- Các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động như: Hợp đồng lao động, hợp đồng học nghề, quyết định xử lý kỷ luật sa thải hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, biên bản họp xét kỷ luật người lao động,…
- Biên bản hoà giải không thành của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động đối với tranh chấp lao động cá nhân (nếu có); Biên bản hòa giải không thành của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền (nếu có).
- Nếu người sử dụng lao động khởi kiện thì phải nộp thêm các giấy tờ tài liệu về tư cách pháp lý của doanh nghiệp như giấy phép đầu tư, giấy đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập doanh nghiệp; Điều lệ, nội quy lao động, biên bản họp xét kỷ luật người lao động,...
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao);
* Lưu ý: Các tài liệu nêu trên bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt Nam theo quy định trước khi nộp và nộp kèm theo bản gốc để đối chiếu.
7. Phạm vi cung cấp của Luật sư tư vấn khởi kiện vụ án lao động
a. Tư vấn giải quyết tranh chấp lao động
- Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của khách hàng cung cấp liên quan đến tranh chấp lao động để nhận diện và xác định chính xác quan hệ tranh chấp;
- Phân tích, đánh giá, nhận định cơ sở pháp lý ban đầu đối với yêu cầu của cá nhân/doanh nghiệp trong tranh chấp lao động ;
- Tư vấn về chứng cứ và cơ sở chứng minh yêu cầu và cách thức thu thập chứng cứ liên quan đến vị trí của khách hàng trong tranh chấp lao động;
- Tư vấn và đưa ra các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp để khách hàng lựa chọn giải quyết;
- Tư vấn phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án về thẩm quyền Tòa án, trình tự, thủ tục, án phí và các chi phí liên quan đến tranh chấp lao động
b. Hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ tranh chấp lao động
- Tư vấn, soạn thảo, hỗ trợ điều chỉnh hồ sơ khởi kiện, bản tự khai, đơn trình bày ý kiến, đơn yêu cầu nếu đương sự là Nguyên đơn trong tranh chấp lao động;
- Tư vấn, soạn thảo đơn trình bày ý kiến, đơn phản tố, bản tự khai, đơn yêu cầu nếu đương sự là bị đơn trong tranh chấp lao động;
- Tư vấn, soạn thảo bản tự khai, đơn trình bày ý kiến, đơn yêu cầu độc lập nếu đương sự tham gia là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tranh chấp lao động;
- Thu thập/yêu cầu thu thập, tổng hợp, đánh giá và cung cấp chứng cứ kèm đơn và cho Tòa án và hỗ trợ đương sự nộp các hồ sơ nêu trên tại Tòa án.
c. Ðại diện hoặc/và cử luật sư bảo vệ quyền lợi tại Tòa án
- Tư vấn, giải thích về cơ chế đại diện tố tụng và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc tranh chấp lao động;
- Tư vấn, hướng dẫn về thủ tục ủy quyền cho đại diện tùy thuộc vào phạm vi khách hàng mong muốn trong tranh chấp lao động;
- Tư vấn hoàn thiện hồ sơ yêu cầu luật sư bảo vệ;
- Ðại diện khách hàng tham gia giải quyết tranh chấp tại Tòa án theo phạm vi ủy quyền bao gồm việc trình bày ý kiến; cung cấp chứng cứ; theo dõi tiến trình, thúc đẩy quá trình giải quyết và xử lý các vấn đề phát sinh; tham gia các buổi làm việc, phiên hoàn giải, phiên tòa xét xử để bảo vệ quyền lợi của khách hàng;
d. Ðại diện yêu cầu thi hành án đối với tranh chấp lao động
- Tư vấn pháp lý về thủ tục, chi phí thi hành án đối với Bản án/quyết định về tranh chấp lao động;
- Tư vấn thủ tục, xác minh điều kiện thi hành án;
- Cử đại diện yêu cầu thi hành bản án/quyết định có hiệu lực;
- Ðại diện tham gia tại cơ quan thi hành án;
- Tư vấn, soạn thảo các giấy tờ liên quan đến quá trình thi hành án;
- Thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo vệ khách hàng theo bản
án/quyết định tranh chấp lao động.
8. Thông tin liên hệ với chúng tôi
Quý khách hàng đang có nhu cầu tư vấn về pháp luật lao động, pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động thì đừng ngần ngại, hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline 0978845617 để nhận thông tin và tư vấn sơ bộ ban đầu một cách kịp thời. Số hotline được Luật sư tiếp nhận và xử lý trên phạm vi toàn quốc.
Thời gian làm việc từ 08 giờ sáng đến 21 giờ tối trong khoảng thời gian từ Thứ 2 đến Thứ 7 trong tuần.
Ngoài phương thức hỗ trợ qua số hotline cho dịch vụ soạn thảo Thỏa ước lao động tập thể chúng tôi còn tư vấn và hỗ trợ trực tiếp tại Văn phòng làm việc và trực tuyến qua Zalo: 0909160684, và Email [info@luatsuhcm.com]
Hãy để đội ngũ Luật sư của Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy đồng hành và hỗ trợ bạn giải quyết các vấn đề pháp lý một cách hiệu quả và chuyên nghiệp nhất. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng Quý khách hàng.
Chúng tôi trên mạng xã hội