Các lưu ý khi doanh nghiệp ký hợp đồng “nguyên tắc”

Chủ nhật - 06/05/2018 22:40
Trong quá trình hợp tác kinh doanh, việc giao kết hợp đồng để thực hiện các giao dịch có tính chất ổn định, thường xuyên, lâu dài thường lặp lại các thủ tục và tiêu tốn thời gian của doanh nghiệp. Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả kinh doanh, cần thiết thiết lập một số nguyên tắc nền tảng, đặc trưng cho hoạt động để giảm thiểu các thủ tục, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Hợp đồng nguyên tắc là phương thức để đáp ứng yêu cầu trên.
Do đó, hợp đồng nguyên tắc đã trở thành khái niệm quen thuộc trong hoạt động của doanh nghiệp hiện nay. Pháp luật hiện hành không quy định về hợp đồng nguyên tắc nên không có cơ chế cụ thể điều chỉnh việc xác lập, ký kết hợp đồng này. Để đảm bảo tính thực thi, hiệu quả và hạn chế rủi ro, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Đảm bảo tính thực thi hợp đồng nguyên tắc
Mục đích tiên quyết của việc xác lập hợp đồng là tính thực thi và hiệu quả kinh doanh cho các bên tham gia. Chính vì vậy, cũng như các hợp đồng khác, trước khi ký kết hợp đồng nguyên tắc, doanh nghiệp cần chú trọng đến khả năng thực thi của các nội dung đã thỏa thuận. Cụ thể, doanh nghiệp cần đảm bảo các khía cạnh sau đây của một hợp đồng nguyên tắc:           
(i) Hợp đồng nguyên tắc về bản chất là hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại thông thường, chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự cũng như pháp luật thương mại. Vì thế, nội dung của hợp đồng nguyên tắc trước hết phải đảm bảo đầy đủ các nội dung cơ bản của một hợp đồng như: thông tin của các bên tham gia hợp đồng, đối tượng của hợp đồng, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên, các cam kết chung, thời hạn của hợp đồng. Đồng thời, vì tính chất “nguyên tắc”, định hướng nên một số nội dung của hợp đồng nguyên tắc thường không cụ thể, chi tiết như các loại hợp đồng kinh tế khác. Tuy nhiên, nguyên tắc để xác định giá cả, phương thức thanh toán, vận chuyển, thời gian thực hiện,... vẫn cần được quy định, tránh trường hợp hợp đồng nguyên tắc đã ký nhưng không đạt được thỏa thuận chi tiết về giao dịch sau đó tại các hợp đồng, phụ lục hợp đồng hoặc các đơn đặt hàng cụ thể.
(ii) Đối tượng giao dịch được đề cập tại hợp đồng nguyên tắc sẽ được điều chỉnh bởi các thỏa thuận trong hợp đồng. Do đó, dù mang tính nguyên tắc thì điều khoản về đối tượng cũng cần bao quát được phạm vi công việc dịch vụ hay hàng hóa/đặc trưng của hàng hóa giao dịch. Không quy định nguyên tắc xác định đối tượng giao dịch có thể dẫn đến thỏa thuận hợp đồng không phát sinh hiệu lực đối với các giao dịch thực tế sau đó, không có cơ sở giải quyết các vấn đề liên quan.
(iii) Giá trị hợp đồng nguyên tắc có thể được ấn định theo nhiều phương thức khác nhau. Trong trường hợp không thể hiện giá cụ thể thì quy định nguyên tắc xác định giá là cần thiết như: thỏa thuận giá trị hợp đồng sẽ được thống nhất trong từng phụ lục, hợp đồng hoặc đơn đặt hàng.
(iv) Thỏa thuận của hợp đồng nguyên tắc được áp dụng giải quyết các vấn đề phát sinh của giao dịch cụ thể. Do đó, hiệu lực của hợp đồng nguyên tắc có ảnh hưởng rất lớn đến các giao dịch cụ thể. Các giao dịch cụ thể được xem là những hợp đồng phụ, là bộ phận không tách rời của hợp đồng nguyên tắc. Theo quy định của pháp luật, việc chấm dứt hiệu lực của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Như vậy, nếu hợp đồng nguyên tắc chấm dứt hiệu lực, các giao dịch cụ thể cũng đương nhiên bị chấm dứt nếu các bên không có thỏa thuận tiếp tục thực hiện giao dịch đó. Để hạn chế những thiệt hại đáng tiếc đối với các giao dịch cụ thể đang thực hiện khi chấm dứt hợp đồng nguyên tắc, quy định phương án xử lý tại hợp đồng trong trường hợp này là rất cần thiết.

2. Nội dung hợp đồng như thế nào mới đảm bảo tính “nguyên tắc”?

Tính “nguyên tắc” cần được đảm bảo khi thiết kế nội dung hợp đồng nguyên tắc. Xây dựng nội dung của hợp đồng nguyên tắc phải căn cứ trên mục đích hợp đồng là xác lập các nguyên tắc, hướng dẫn mang tính định hướng để thực hiện các giao dịch cụ thể có tính chất giống, tương tự để giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí. Với tâm lý e ngại nếu không quy định cụ thể sẽ không thể thực thi dẫn đến việc nội dung hợp đồng bị chi tiết hóa, mức độ tương tự của các giao dịch bị thu nhỏ dẫn đến việc thực hiện giao dịch thực tế khó khăn. Khi đó, hợp đồng nguyên tắc sẽ trở thành hợp đồng kinh tế thông thường, chỉ có thể áp dụng cho một hoặc một vài giao dịch nhất định, mục đích xác lập hợp đồng nguyên tắc không đạt được, không mang lại hiệu quả.

3. Nâng cao hiệu quả của tính “nguyên tắc”

Đối với một hợp đồng kinh tế thông thường, các bên cần phải thỏa thuận nhiều loại trình tự, thủ tục khác nhau, từ khâu đặt mua, giao nhận, kiểm kê sản phẩm/đề nghị cung cấp dịch vụ, bàn giao kết quả, nghiệm thu đến khâu thanh toán, thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, khi đã xác định nhu cầu xác lập mối quan hệ lâu dài, các trình tự, thủ tục này cần được rút gọn nhằm tiết kiệm thời gian, công sức cũng như tiền bạc của các bên. Vì vậy, khi xây dựng hợp đồng nguyên tắc, doanh nghiệp cần lưu ý xây dựng thống nhất trình tự, thủ tục thực hiện hợp đồng, kể cả các biểu mẫu liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng nguyên tắc thông qua các phụ lục, hợp đồng hoặc đơn đặt hàng cụ thể. Lúc này, các bên có thể chủ động áp dụng trình tự, thủ tục, biểu mẫu đã thỏa thuận trong hợp đồng nguyên tắc để thực hiện và hoàn thành nhanh chóng các giao dịch cụ thể.

4. Hợp đồng nguyên tắc theo mẫu không phải lúc nào cũng tối ưu!

Trên thực tế, để tiến tới ký kết hợp đồng nguyên tắc, thường một bên sẽ cung cấp hợp đồng đã soạn thảo sẵn để bên kia xem xét. Thông thường, hợp đồng do bên nào cung cấp nội dung sẽ có lợi hơn cho bên đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý một số trường hợp luật định bên cung cấp hợp đồng theo mẫu phải chịu thiệt thòi. Cụ thể, trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó; hoặc trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, khi đưa ra một hợp đồng mẫu, doanh nghiệp cần chú ý cân bằng quyền lợi của các bên để tránh phải chịu những rủi ro không đáng có. Trường hợp là bên được cung cấp hợp đồng, doanh nghiệp cần kiểm tra, rà soát kỹ những điều bất lợi/không mang tính khả thi để tránh rủi ro.
Hợp đồng nguyên tắc hiện nay đã trở thành một phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc ký kết hợp đồng nguyên tắc hợp pháp, đề cao tính thực thi là vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý để có thể tiến hành giao dịch một cách thuận lợi, góp phần nâng cao doanh thu và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp./.

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Các lưu ý khi doanh nghiệp ký hợp đồng “nguyên tắc” nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Các lưu ý khi doanh nghiệp ký hợp đồng “nguyên tắc”chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.

Tác giả: Ls Nguyễn Thị Ngọc Dung - VPLS Tô Đình Huy

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây