Đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài – đơn giản hóa thủ tục đầu tư

Thứ năm - 05/10/2017 11:57
Theo Luật đầu tư 2005, tất cả các dự án đầu tư có vốn nước ngoài (không phân biệt nhà đầu tư nước ngoài có bao nhiêu % vốn điều lệ) cũng cần phải xin giấy chứng nhận đầu tư.[1] Kể cả nhà đầu tư trong nước có vốn đầu tư từ 15 tỷ trở lên hoặc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì cũng phải xin giấy chứng nhận đầu tư.[2]

 
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Dung
   Luật đầu tư 2014 có nhiều điểm mới để đơn giản hóa thủ tục đầu tư và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Theo đó:
i. Các dự án của nhà đầu tư trong nước sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà chỉ cần hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là đủ. 
ii. Các dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà nhà đầu tư nước ngoài và/hoặc doanh nghiệp FDI nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ và ngành nghề đầu tư không có điều kiện sẽ được đối xử như dự án của nhà đầu tư trong nước, tức không phải xin giấy chứng nhận đầu tư.
iii. Dự án của doanh nghiệp (FDI) mà trong đó nhà đầu tư nước ngoài và/hoặc doanh nghiệp FDI nắm giữ từ 51% (dưới 100%) vốn điều lệ hoặc dưới 51% nhưng ngành nghề đầu tư có điều kiện thì không phải xin Giấy phép đầu tư mà thực hiện thủ tục đầu tư là đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trước khi đầu tư. 
Liên quan đến thủ tục đầu tư, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu tới độc giả các quy định và vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là thủ tục mới so với Luật doanh nghiệp 2005, được đánh giá là bước tiến vượt bậc trong việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư.

 
   


1. Quy định pháp luật liên quan đến việc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài
Khoản 1 Điều 26 Luật đầu tư quy định:
1. Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau đây:
a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23[3] của Luật này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.
Theo đó, khi đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam, trước tiên, nhà đầu tư nước ngoài cần xem xét ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài dự định góp vốn có hạn chế đối với NĐT nước ngoài không? Thông tin này được kiểm tra thông qua lộ trình mở cửa của Việt Nam tại Biểu cam kết dịch vụ WTO và các văn bản pháp luật chuyên ngành trong nước. Các vấn đề cần xem xét cụ thể:
i. Ngành nghề có hạn chế NĐT nước ngoài không được đầu tư, kinh doanh không? Chẳng hạn ngành hoạt động thăm dò dư luận (mã CPC 86402), các hoạt động liên quan đến ghi âm, giáo dục phổ thông (CPC 922)… là các ngành mà hiện nay Việt Nam chưa cam kết cho NĐT nước ngoài hiện diện thương mại tại Việt Nam. Do đó, trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam có các ngành này thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thay đổi (bỏ) các ngành nghề này trước khi NĐT nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nếu không NĐT nước ngoài sẽ không được chấp thuận đầu tư.
ii. Ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam có giới hạn tỷ lệ vốn góp đối với NĐT nước ngoài không? Trường hợp có giới hạn thì NĐT nước ngoài chỉ được được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong giới hạn cho phép. Đến hiện nay, đa số ngành nghề đã được gỡ bỏ giới hạn tỷ lệ vốn đầu tư, trừ một số ngành nghề liên quan đến dịch vụ vận tải, dịch vụ giải trí, dịch vụ nghe nhìn như sản xuất, phát hành, chiếu phim,… Trường hợp không giới hạn hoặc có giới hạn tỷ lệ vốn góp nhưng NĐT nước ngoài được đầu tư, nắm giữ từ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam thì NĐT phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
iii. Có phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với NĐT nước ngoài không? NĐT nước ngoài đáp ứng điều kiện để được đầu tư theo Biểu cam kết dịch vụ WTO như quốc tịch của NĐT phải thành viên của WTO đối với một số ngành như hoạt động kiến trúc, lắp đặt hệ thống, …
Ngoài ra, nếu ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề có điều kiện được ban hành kèm theo Luật đầu tư 2014 thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện trước khi kinh doanh. Chẳng hạn, các ngành nghề liên quan đến hoạt động bán buôn hàng hóa là ngành nghề có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài nên sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để hoạt động thì doanh nghiệp phải xin Giấy phép kinh doanh Hoạt động mua bán hàng hóa và hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 23/2007/NĐ-CP, Thông tư 08/2013/TT-BCT, Công văn số 12933/BCT-KH hướng dẫn về việc NĐT nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp tới mua bán hàng hóa. Hiện nay đã có dự thảo chính thức Nghị định thay thế Nghị định 23/2007/NĐ-CP trình Chính phủ, đang chờ thông qua. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phải thực hiện việc xin và cấp Giấy phép đối với hoạt động bán buôn hàng hóa, chỉ có một số thay đổi về hồ sơ của thủ tục xin giấy phép, thời hạn cấp phép.
Trong trường hợp ngành nghề có điều kiện thì không phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp, NĐT nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trước khi đầu tư.

2. Thủ tục đầu tư đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài
Nhìn chung, đối với trường hợp đầu tư theo thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần phần vốn góp, nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện ít nhất 02 bước bắt buộc sau tại Cơ quan đăng ký kinh doanh:
Bước 1: Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp tại Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp Việt Nam đặt trụ sở.
Bước 2: Sau khi NĐT nước ngoài được Sở kế hoạch và đầu tư cấp văn bản chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thì các bên tiến hành việc góp vốn, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp. Doanh nghiệp Việt Nam thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp; hoặc thông báo thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần nếu cổ đông sáng lập thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; hoặc đăng ký thay đổi thành viên đối với trường hợp công ty TNHH.
Trong trường hợp thành viên/cổ đông công ty chuyển nhượng vốn góp/cổ phần dẫn đến việc không đáp ứng số thành viên luật định thì công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi loại hình doanh nghiệp. Việc thay đổi đăng ký thay đổi thành viên/thông báo thay đổi cổ đông sáng lập được thực hiện đồng thời với thủ tục thay đổi loại hình doanh nghiệp.
Trường hợp thành viên, cổ đông chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp/cổ phần trong công ty là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và công ty không thuê người này làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nữa thì đồng thời với thủ tục trên, công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Ngoài ra, trường hợp kinh doanh ngành nghề có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài/doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì sau khi hoàn thành hai bước trên, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện luật định đối với từng ngành nghề trước khi kinh doanh. Chẳng hạn, xin Giấy phép kinh doanh các ngành liên quan đến hoạt động bán buôn hàng hóa đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như chúng tôi đã nêu trên hay giấy xác nhận, chứng nhận khác tùy thuộc ngành nghề có điều kiện.

3.  Một số điểm khác nổi bật trong thủ tục đầu tư đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp so với thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư
i. Thời hạn cấp văn bản xác nhận, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn đáng kể so với thời hạn xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cụ thể:
Thời hạn giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư được thực hiện trong vòng (i) 15 ngày làm việc đối với dự án thuộc diện đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư; (ii) 30 ngày làm việc nếu dự án đầu tư thuộc diện thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư; (iii) 55 ngày làm việc nếu dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (thời hạn dài hơn - quy định của Luật doanh nghiệp 2005 là 45 ngày).
Trong khi đó, thời hạn giải quyết thủ tục đối với trường hợp đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp là 15 ngày làm việc kể từ ngày Sở kế hoạch và đầu tư nhận được hồ sơ hợp lệ[4]. Sau khi có văn bản chấp thuận của Sở kế hoạch và đầu tư thì chỉ cần thời hạn 03 ngày làm việc[5] (đối với thủ tục thay đổi thành viên) hoặc 05 ngày làm việc[6] (trường hợp phải thay đổi loại hình doanh nghiệp) nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục đầu tư.
ii. Số lượng hồ sơ chỉ cần 01 bộ:
Trường hợp phải xin Giấy chứng nhận đầu tư thì nhà đầu tư phải nộp 3 bộ hồ sơ, trong đó có 01 bộ gốc đối với dự án thuộc diện đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư; 8 bộ hồ sơ, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc đối với dự án thuộc diện thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Còn thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thì nhà đầu tư chỉ cần nộp 01 bộ hồ sơ để thực hiện thủ tục đầu tư.
iii. Thành phần hồ sơ đơn giản hơn:
NĐT chỉ giải trình việc đáp ứng các điều kiện đầu tư trong Văn bản đăng ký góp vốn, mua phần cổ phần, phần vốn góp mà không phải nộp kèm các hồ sơ giải trình kinh tế - kỹ thuật về mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất, giải pháp về công nghệ và giải pháp về môi trường, … như trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Quy định về thủ tục đăng ký góp vốn, mua phần cổ phần, phần vốn góp đối với NĐT nước ngoài của Luật đầu tư 2014 giúp NĐT nước ngoài đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm được thời gian, chi phí cho việc đầu tư và tận dụng được lợi thế có sẵn của doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, Nghị định 118/2015/NĐ-CP cũng đã hướng dẫn khá rõ quy trình, thủ tục đối với thủ tục đầu tư này. Cơ chế này với mục đích thu hút đầu tư nước ngoài và hi vọng một thị trường đầu tư được mở rộng hiệu quả trong thời gian tới.



[1] Điều 46 Luật đầu tư 2005
[2] Điều 45 Luật đầu tư 2005
[3] Điều 23. Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.
 
[4] Điểm b Khoản 3 Điều 26 Luật đầu tư 2014
[5] Khoản 2 Điều 27 Luật doanh nghiệp 2014
[6] Điều 196, 197, 198 Luật doanh nghiệp 2014

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài – đơn giản hóa thủ tục đầu tư nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài – đơn giản hóa thủ tục đầu tư chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Dung

 Tags: đầu tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây