Giải pháp giảm chi phí nhân sự của doanh nghiệp nhìn từ góc độ pháp luật lao động

Thứ năm - 12/04/2018 00:08
Con người là yếu tố quyết định lợi nhuận và sự sống còn của nhiều doanh nghiệp. Do đó, chi phí dành cho nhân sự ở nhiều doanh nghiệp thường chiếm khoảng trên dưới 60%. Kể cả những doanh nghiệp mà doanh thu phụ thuộc nhiều vào máy móc, thiết bị thì với sự thay đổi của chính sách lương hiện hành cũng khiến chi phí cho nhân sự ngày càng tăng. Đây trở thành vấn đề lo ngại của nhiều chủ doanh nghiệp và buộc doanh nghiệp tìm cách để cắt giảm các khoản chi phí nhân sự, nếu có thể. 
Tuy nhiên, không phải cách nào cũng hiệu quả và hợp pháp. Nhìn từ góc độ pháp luật lao động, chúng tôi đề cập sau đây chi phí nhân sự và một số giải pháp giảm chi phí nhân sự cho doanh nghiệp.
1. Chi phí nhân sự theo quy định pháp luật hiện hành
Nhìn chung, chi phí nhân sự của doanh nghiệp hiện nay được chia làm 02 nhóm: (i) chi phí trực tiếp như lương, thưởng, các khoản trợ cấp trả cho người lao động và (ii) chi phí gián tiếp như BHXH, phí công đoàn, các khoản quỹ thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và các khoản mà doanh nghiệp phải đầu tư theo quy định như trang bị bảo hộ lao động, chi phí đào tạo…
Với mục tiêu lương tối thiểu phải đáp ứng được đời sống tối thiểu của người lao động, việc tăng lương hàng năm là vấn đề tất yếu nhằm đảm bảo cho người lao động tái tạo sức lao động và tích tụ vốn. Do đó, chi phí nhân sự của doanh nghiệp hàng năm sẽ tăng. Hệ quả của mức lương tăng là các chi phí khác liên quan đến lương cũng sẽ tăng, đặc biệt là tiền đóng BHXH với mức cao như hiện nay. Điều này tạo sức ép ngày càng lớn đối với quỹ lương, quỹ BHXH, kinh phí công đoàn và chi phí đầu tư nhân sự gián tiếp của doanh nghiệp khi phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Ngoài ra, việc thay đổi các chi phí nêu trên còn tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính như đăng ký lại BHXH, công đoàn, thang bảng lương…
Trước sức ép đó, với mục đích tồn tại/đảm bảo/nâng cao lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí nhân sự dưới nhiều cách thức cả hợp pháp lẫn phi pháp, tạo ra những hệ lụy đáng lo ngại đối với môi trường lao động, như:
i. Cắt giảm lao động - biện pháp mà hiện nay nhiều doanh nghiệp đang áp dụng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu, không ít doanh nghiệp bất chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng, sa thải, điều chuyển người lao động trái pháp luật. Thay vì tập trung tìm giải pháp phát triển sản xuất, các doanh nghiệp phải tốn thời gian “hầu tòa” cho những tranh chấp không đáng có và phải chi những khoản bồi thường cho người lao động. Việc này cũng gây ảnh hưởng không ít đến tâm lý và hiệu suất làm việc đối với người lao động.
ii. Cắt giảm chi phí: doanh nghiệp cắt giảm những khoản có thể giảm. Việc cắt giảm mức lương chưa bao giờ là phương án được xem xét khả thi hay có mặt tích cực khi điều kiện sống phải được nâng lên và lương tối thiểu vùng bắt buộc phải tăng. Do đó, các doanh nghiệp hướng đến giảm các khoản phụ cấp, tiền đóng BHXH, chi phí đào tạo, chi phí bảo hộ lao động… Tuy nhiên, nhiều trường hợp cắt giảm không mang lại khoản tiết kiệm đáng kể trên tổng chi phí nhưng hệ lụy mang lại là việc bất mãn của người lao động, giảm hiệu suất làm việc, gia tăng tai nạn lao động và doanh nghiệp phải chịu tổn thất lớn: đình trệ sản xuất, chi phí tuyển dụng và đào tạo cho nhân viên mới, năng suất giảm,…
Với các giải pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro như nêu trên, cắt giảm lao động và chi phí không là phương án được ưu tiên xem xét nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững. Chúng tôi đề cập sau đây một số giải pháp từ góc độ pháp luật lao động để doanh nghiệp cân nhắc.

2. Giải pháp giảm chi phí nhân sự từ góc độ pháp luật lao động
2.1  Tuyển dụng chọn lọc
Tuyển dụng có chọn lọc, đề cao năng lực là bước đầu giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí nhân sự. Doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí ngay từ khâu tuyển dụng. Do đó, hiệu quả chi phí đầu tư nhân sự được quyết định ngay từ bước này. Xây dựng phương án tuyển dụng có thể tốn thời gian, chi phí nhưng sẽ giúp chọn lọc được những ứng cử viên phù hợp, giảm thời gian tuyển dụng cũng như đào tạo lại. Chi phí tiết kiệm được về sau sẽ đáng kể hơn nhiều so với chi phí ban đầu xây dựng phương án tuyển dụng. Nhân sự có năng lực cũng mang lại cho doanh nghiệp hiệu quả kinh tế hơn những gì đầu tư cho họ.
2.2  Đào tạo nâng cao

Đào tạo nâng cao và bổ sung năng lực lao động hiện hữu để phát huy hiệu quả lao động. Phương án này vừa thể hiện trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp với người lao động, vừa tạo điều kiện để lao động nâng cao năng lực của mình phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp. Đây còn là phương thức khuyến khích và ràng buộc sự gắn bó của lao động. Trong điều kiện nhiều khoản chi phí nhân sự tăng cao thì chi phí đào tạo cũng góp phần tạo gánh nặng cho doanh nghiệp nhưng thực tế chứng minh chi phí đầu tư cho con người luôn mang lại những lợi ích thiết thực, bền vững.
2.3  Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý lao động

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức lao động công ty, xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực nhân viên, chất lượng công việc là yêu cầu cần thiết. Thường xuyên sàng lọc, đánh giá lại nhân viên, các bộ phận, phòng ban trong doanh nghiệp trên cơ sở khoa học sẽ giúp người sử dụng lao động có cái nhìn tổng thể và có phương án giảm chi phí phù hợp như: cơ cấu lại các phòng ban để đảm bảo hoạt động hiệu quả, tránh cồng kềnh, chồng chéo; khai thác lao động tiềm năng và có chính sách đào tạo lại hoặc đào thải những nhân viên kém chuyên nghiệp.
2.4  Tăng chính sách đãi ngộ

Tăng chính sách đãi ngộ trong thời điểm doanh nghiệp nào cũng muốn cắt giảm chi phí nhân sự được cho là thiếu tính thực tế. Tuy nhiên, thực tế chứng minh đây là phương án sử dụng lao động thông minh trong giai đoạn khó khăn. Xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp không phải là việc dễ nên thực tế nhiều doanh nghiệp áp dụng chính sách “đánh đồng” cho tất cả các nhân viên. Việc cào bằng mang hiệu ứng ngược lại với mục đích đãi ngộ, không những không khuyến khích nhân viên phát huy năng lực mà còn tạo sự chủ quan, trì trệ. Chi phí lãng phí trong trường hợp này không dừng ở khoản đãi ngộ mà doanh nghiệp còn mất những khoản thu do không khai thác được chất xám của nhân viên. Thực hiện tốt bước đánh giá năng lực nhân viên nêu trên là cơ sở để xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý. Hiệu quả của chính sách đãi ngộ tốt là giữ được nhân tài, nâng cao năng lực lao động và thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.
Chi phí đầu tư cho nhân sự là khoản tất yếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cũng là một trong những yếu tố quyết định doanh thu. Việc gia tăng chi phí nhân sự theo chính sách hiện hành tạo những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để người sử dụng lao động mạnh tay với việc cơ cấu lại tổ chức doanh nghiệp, đánh giá lại lao động đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn, cắt giảm những chi phí đầu tư chưa hợp lý. Cải cách thành công có thể giúp doanh nghiệp có khả năng đầu tư chi phí nhân sự cao hơn quy định pháp luật hiện hành. Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ không còn là mối lo của doanh nghiệp khi nhân sự thực sự có năng lực và hoạt động hiệu quả.

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Giải pháp giảm chi phí nhân sự của doanh nghiệp nhìn từ góc độ pháp luật lao động nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Giải pháp giảm chi phí nhân sự của doanh nghiệp nhìn từ góc độ pháp luật lao động chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.

Tác giả: LS Nguyễn Thị Ngọc Dung - VPLS Tô Đình Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 60 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 12 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây