Quyền lợi của người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Thứ năm - 12/09/2019 03:16
So với điều kiện làm việc bình thường, người lao động khi làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng một số quyền lợi đặc biệt hơn. Vậy những quyền lợi đặc biệt đó là gì?
Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở xác định nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chúng tôi sẽ nêu ra một số chế độ ưu tiên được áp dụng đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; chế độ tiền lương; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật; chăm sóc sức khỏe; trang bị cá nhân…
1. Xác định nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Việc xác định người làm nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm căn cứ vào Danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Phụ lục được ban hành kèm Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Theo đó, để xác định nghề, công việc có thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hay không, doanh nghiệp cần phải căn cứ vào các tiêu chí: (i) tên nghề, công việc và (ii) đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc được mô tả kèm theo.

2. Chính sách áp dụng đối với lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
2.1. Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi
- Thời giờ làm việc bình thường không quá 06 giờ/01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc Danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Khoản 3 Điều 104 Bộ Luật lao động 2012)[1].
- Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương (Khoản 2 Điều 155 BLLĐ).
- Ngày nghỉ hàng năm là 14 ngày đối với lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và 16 ngày đối với lao động làm nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Điểm b, c Khoản 1 Điều 111 BLLĐ 2012).
- Có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định[2] (Khoản 2 Điều 187 BLLĐ).
2.2. Chế độ tiền lương
Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường (điểm c khoản 3 Điều 7 của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP).
2.3. Bồi dưỡng bằng hiện vật
Căn cứ Điều 141 BLLĐ 2012, người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật.
Việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật được hướng dẫn tại Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
2.3.1. Điều kiện hưởng (Khoản 1 Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH)
Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:
i.  Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành (quy định hiện hành là Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH); 
ii. Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.
iii.Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động). 
2.3.2. Mức bồi dưỡng (Khoản 2 Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH)
i. Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:
- Mức 1: 10.000 đồng;
- Mức 2: 15.000 đồng;
- Mức 3: 20.000 đồng;
- Mức 4: 25.000 đồng. 
ii. Việc xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật cụ thể theo điều kiện lao động và chỉ tiêu môi trường lao động được quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH.
2.3.3. Nguyên tắc bồi dưỡng (Điều 3 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH)
- Phải thực hiện trong ca hoặc ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện và vệ sinh.
- Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (gồm cả đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.
- Trường hợp do tổ chức lao động không ổn định, không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động.
- Chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh của cơ sở lao động và là chi phí hợp lý khi tính thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở lao động theo quy định hiện hành của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. 
2.3.4. Xác định mức bồi dưỡng cụ thể đối với từng người lao động ( Khoản 4 Điều 3 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH)
- Làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên/ngày làm việc: được hưởng cả định suất bồi dưỡng;
- Làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc: được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.
- Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên;
- Áp dụng mức 1 (10.000 đồng) đối với người lao động làm việc không thuộc danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm;
2.4. Chăm sóc sức khỏe
Người lao động phải được tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/01 lần và khám bệnh nghề nghiệp theo quy định nếu làm trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp (Điều 152 BLLĐ 2012).
2.5. Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân
Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc (Khoản 1 Điều 149 BLLĐ). Việc trang bị phương tiện bảo vệ được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH.
2.6. Các quy định cấm
- Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ (Khoản 1 Điều 163 BLLĐ).
- Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi (Khoản 3 Điều 167 BLLĐ).
- Cấm sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại (Khoản 2 Điều 178 BLLĐ).

Kết luận: 
Với đặc thù của môi trường làm việc, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại phải đối mặt với nhiều rủi ro về tai nạn lao động, sức khỏe và bệnh nghề nghiệp. Do đó cần thiết có những quy định ưu tiên hơn cho nhóm đối tượng này. Việc hiểu biết những quyền lợi cơ bản đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ giúp người lao động bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình trong quá trình làm việc và người sử dụng lao động tránh được những vi phạm không đáng có.



[1] Lưu ý, người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không áp dụng thời giờ làm việc này.
[2] Khoản 1 Điều 187 BLLĐ 2012 quy định: “Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi”.

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Quyền lợi của người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Quyền lợi của người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây