Sửa đổi điều lệ theo quy định luật doanh nghiệp 2014 trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2016

Thứ năm - 05/10/2017 11:49
Điều lệ là một căn cứ rất quan trọng trong việc điều hành, quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối điều lệ trên nguyên tắc điều lệ không được trái với pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Dung


Th.S/Luật sư Tô Đình Huy
  Hiện nay, Luật doanh nghiệp 2014 đã có hiệu lực có những thay đổi nhất định về quy chế vận hành doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp phải xem xét, sửa đổi điều lệ để phù hợp với quy định của luật mới. Đây là vấn đề chung của tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty cổ phần đại chúng trong thời điểm nhiều công ty đang chuẩn bị tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên.
Trên thực tế, khi thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thay đổi những nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện sửa đổi, bổ sung điều lệ trên hồ sơ đăng ký để hợp thức hóa thủ tục cho cơ quan đăng ký kinh doanh mà không điều chỉnh điều lệ của công ty. Thông thường, Điều lệ sẽ không được điều chỉnh theo từng lần thay đổi mà chỉ được sửa đổi khi có sự thay đổi của pháp luật.
Pháp luật đặt ra yêu cầu điều lệ không được trái với quy định pháp luật nhưng lại không có quy định các trường hợp, thời điểm doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung điều lệ. Do đó, vấn đề nhiều công ty cổ phần đại chúng đăng thắc mắc là liệu trong cuộc họp ĐHĐCĐ sắp tới có được tạm hoãn việc sửa đổi điều lệ vì lý do nội bộ của doanh nghiệp hay không?


1. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ theo quy định mới của Luật doanh nghiệp 2014
Việc tuân thủ Luật doanh nghiệp là yêu cầu chung đối với tất cả các doanh nghiệp. Riêng đối với công ty đại chúng, pháp luật còn có những quy định điều chỉnh cụ thể, mang tính đặc thù đối với các công ty quy mô lớn. Nguyên tắc không được trái pháp luật của điều lệ công ty được quy định tại Điều 5 Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, cụ thể như sau:
Điều 5. Điều lệ công ty
1. Điều lệ công ty không được trái với các quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Công ty đại chúng tham chiếu Điều lệ mẫu tại Phụ lục của Thông tư này để xây dựng Điều lệ công ty
Để đảm bảo tuân thủ quy định Khoản 1 Điều 5 nêu trên, các công ty có nghĩa vụ phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ cho phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên về việc cơ chế thực hiện nghĩa vụ này hiện chưa có quy định pháp luật điều chỉnh. Hơn nữa, Thông tư 121/2012/TT-BTC hiện nay vẫn còn hiệu lực nhưng Điều lệ mẫu của Thông tư này theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005, đã không còn phù hợp. Cơ sở nào để doanh nghiệp tham khảo, điều chỉnh điều lệ khi phải tuân theo quy định đặc thù về điều lệ mẫu?
Với quy mô lớn và tầm ảnh hưởng rộng đến thị trường của các công ty đại chúng, một trong các quy chế để đảm bảo hoạt động hiệu quả của các công ty này là hướng dẫn cụ thể và kịp thời của UBCKNN trong việc thực hiện tuân thủ pháp luật.
Giải đáp những vướng mắc nêu trên, ngày 15/3/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có Công văn số 1183/UBCK-QLCB gửi các công ty đại chúng về một số vấn đề lưu ý khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, trong đó quy định liên quan đến việc sửa đổi điều lệ như sau:
3. Về việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014:
‒ Công ty phải xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông về việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ công ty theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Khi thực hiện biểu quyết thông qua việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ, Công ty phải tuân thủ quy định tại Điều 144 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
‒ Hiện nay, UBCKNN đang trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng và sẽ hướng dẫn cụ thể các công ty đại chúng về việc sửa đổi Điều lệ theo Điều lệ mẫu sau khi dự thảo Thông tư nêu trên được ban hành.
Căn cứ hướng dẫn của UBCKNN nêu trên thì công ty đại chúng phải thực hiện việc xin ý kiến của Đại hội đồng cổ đông về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới để điều chỉnh Điều lệ phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp 2014. Mặc dù không phải quy định pháp luật nhưng hướng dẫn này đã giải quyết được vấn đề nghĩa vụ phải sửa đổi điều lệ của công ty đại chúng và tính tuân thủ về mặt nội dung điều lệ đối với quy định pháp luật mới. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều lệ mẫu phải chờ Thông tư mới thay thế Thông tư 121/2012/TT-BTC và hướng dẫn cụ thể của UBCKNN về việc sửa đổi, bổ sung theo Điều lệ mẫu.
Trước thềm đại hội của nhiều công ty, ngày 11/5/2016, UBCKNN ban hành công văn số 2463/UBCK-QLCB về việc thực hiện Thông tư 121/2012/TT-BTC tuân thủ Luật doanh nghiệp 2014. Công văn đã hướng dẫn rất rõ các căn cứ pháp lý theo Luật doanh nghiệp đối với các vấn đề cần sửa đổi trong Điều lệ công ty cần thực hiện trong kỳ họp ĐHĐCĐ sắp tới của công ty đại chúng, gồm 11 khoản tại mục II của công văn. Như vậy, việc xây dựng, đề xuất và thông qua những vấn đề trong điều lệ của các công ty đại chúng sẽ thuận tiện hơn.

2. Tác động của việc chậm sửa đổi, bổ sung Điều lệ
Điều lệ quy định những vấn đề cốt lõi và nền tảng cho sự vận hành của Công ty như cơ cấu tổ chức quản lý, thẩm quyền và thể thức thông qua các quyết định của bộ máy điều hành, nguyên tắc phân chia lợi nhuận, xử lý lỗ và giải quyết tranh chấp nội bộ,… Thông qua đó, cổ đông, người quản lý công ty biết được quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện; người ngoài có thể nắm bắt cơ cấu và cơ chế vận hành của doanh nghiệp để quyết định việc đầu tư/hợp tác với doanh nghiệp. Do đó, việc cập nhật kịp thời quy định pháp luật hiện hành trong Điều lệ đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động và quản trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có chế tài xử lý doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức liên quan trong việc chậm sửa đổi, bổ sung Điều lệ cho phù hợp với quy định pháp luật mới. Vì vậy, một số doanh nghiệp vin vào cớ này mà không tuân thủ việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ kịp thời theo quy định Luật doanh nghiệp mới.
Mặc dù chưa có chế tài nhưng nếu không sửa đổi Điều lệ phù hợp với quy định Luật doanh nghiệp hiện hành thì hoạt động của công ty sẽ gặp những khó khăn nhất định:
 i. Nếu cập nhật kịp thời điều lệ theo quy định mới thì các cơ quan quản lý, điều hành công ty sẽ có cơ chế pháp lý thuận tiện để áp dụng cho việc điều hành công ty, trừ những vấn đề Điều lệ công ty không quy định mới xem xét đến quy định pháp luật. Nếu vẫn giữ điều lệ có những nội dung trái với Luật doanh nghiệp thì mỗi khi cần áp dụng, doanh nghiệp phải thực hiện đối chiếu Điều lệ và Luật doanh nghiệp để tránh vi phạm pháp luật. Điều này tạo ra sự phức tạp và doanh nghiệp có thể gặp những rủi ro nhất định nếu không đạt được tính tổng thể trong mỗi lần xem xét.
ii. Những văn bản của công ty căn cứ quy định của Điều lệ có thể không có giá trị pháp lý nếu nội dung liên quan được quy định tại Điều lệ trái với quy định pháp luật. Thậm chí nếu thực hiện theo có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
iii. Đồng thời, Điều lệ của công ty đại chúng được công khai theo nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng. Do đó, việc không điều chỉnh kịp thời Điều lệ có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh và hoạt động của công ty thông qua đánh giá của các nhà đầu tư.

3. Kiến nghị
Thông qua những phân tích về cơ chế pháp lý điều chỉnh việc sửa đổi Điều lệ theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 đối với công ty cổ phần đại chúng và tác động của việc chậm sửa đổi, bổ sung Điều lệ đối với hoạt động của công ty như nêu trên, theo chúng tôi thì các doanh nghiệp cần lưu ý:
Thứ nhất, việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 là rất cần thiết cho hoạt động quản trị công ty, tránh những vi phạm đáng tiếc như chúng tôi đã nêu.
Thứ hai, khi tiến hành sửa đổi Điều lệ, các công ty đại chúng cần có những cân nhắc thận trọng giữa điều kiện cụ thể của công ty với quy định của pháp luật để xây dựng được Điều lệ có giá trị thực thi cao, đồng thời tuân thủ pháp luật.
 
Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Sửa đổi điều lệ theo quy định luật doanh nghiệp 2014 trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2016 nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Sửa đổi điều lệ theo quy định luật doanh nghiệp 2014 trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2016 chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com


Tác giả: Thạc sĩ, Luật sư Tô Đình Huy, Nguyễn Thị Ngọc Dung

 Tags: điều lệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây