Người lao động làm việc và doanh nghiệp phải trả lương để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, khi người lao động chưa đáp ứng điều kiện để được ký hợp đồng lao động và làm việc tại Việt Nam thì tính pháp lý của việc trả lương cũng cần được xem xét.
1. Tính pháp lý của việc trả lương cho người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động
Căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 152 Bộ luật Lao động 2019, một trong những điều kiện để người lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam là phải có giấy phép lao động, trừ trường hợp người lao động thuộc diện không phải cấp phép lao động được quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 7 Nghị định 152/20220/NĐ-CP.
Trường hợp người lao động thuộc diện phải xin giấy phép lao động, khi công ty chưa xin được giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hạn mà chưa được gia hạn, người lao động chưa đáp ứng được điều kiện để ký hợp đồng lao động và làm việc cho công ty. Như vậy, quan hệ lao động hợp pháp chưa được hình thành. Theo đó, việc công ty trả lương cho người lao động nước ngoài trong thời gian không có giấy phép lao động là không phù hợp quy định pháp luật.
2. Hậu quả pháp lý trong trường hợp trả lương cho người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động
Về nghĩa vụ tài chính (thuế): doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN (Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC) và không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với các khoản chi phí trả cho người lao động (Khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC) do không có chứng từ thanh toán hợp pháp theo quy định. Theo đó, ngoài khoản phải trả cho người lao động, doanh nghiệp bị loại trừ chi phí và phải đóng thuế.
Về trách nhiệm tuân thủ pháp luật lao động: Việc trả lương cho người lao động nước ngoài thuộc diện phải xin giấy phép lao động nhưng chưa được cấp phép hoặc giấy phép hết hạn sẽ tạo ra chứng cứ cho việc không tuân thủ pháp luật lao động. Căn cứ Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, trường hợp người lao động nước ngoài thuộc diện phải xin giấy phép lao động nhưng làm việc mà không có giấy phép lao động thì cả người lao động và doanh nghiệp đều có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:
i. Người lao động: có thể bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và bị trục xuất khỏi Việt Nam.
ii. Công ty: tùy vào số lượng người lao động không đáp ứng điều kiện về giấy phép lao động, công ty có thể bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.
3. Một số trường hợp liên quan
Trong thời gian đợi giấy phép lao động, công ty có thể trả lương nếu thuộc trường hợp sau:
i. Người lao động vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm (Khoản 8 Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).
ii. Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp: là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật được doanh nghiệp nước ngoài cử qua làm việc tạm thời tại doanh nghiệp tại Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục.
Trong các trường hợp trên, Công ty có văn bản đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc (Khoản 2 Điều 8 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).
Các vị trí công việc (nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật) được xác định theo quy định tại Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Để hạn chế/tránh những rủi ro đáng tiếc được nêu tại Mục 2 trên, đồng thời bảo vệ quyền lợi của chính doanh nghiệp và người lao động, doanh nghiệp cần cập nhật quy định pháp luật liên quan, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và chính xác hoặc có thể nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ xin/gia hạn giấy phép lao động.
Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Trả lương cho người lao động nước ngoài khi không có giấy phép lao động nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Trả lương cho người lao động nước ngoài khi không có giấy phép lao động chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com
Chúng tôi trên mạng xã hội