Xuất hóa đơn giá trị gia tăng và kê khai thuế ở chi nhánh và công ty con – những vấn đề cần lưu ý

Thứ năm - 12/09/2019 03:10
Hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) là một trong những chứng từ quan trọng của doanh nghiệp, liên quan đến thủ tục kế toán, thuế. Doanh nghiệp khi bán hàng hóa, dịch vụ phải lập hóa đơn theo quy định và giao cho khách hàng. Khi đó, chính doanh nghiệp là chủ thể phải có nghĩa vụ xuất hóa đơn GTGT và kê khai thuế. Nhưng đối với những doanh nghiệp có chi nhánh/công ty con thực hiện chức năng bán hàng thì việc xuất hóa đơn GTGT và kê khai thuế sẽ được thực hiện như thế nào và do đơn vị nào thực hiện?

Trên cơ sở các quy định của pháp luật về quản lý thuế, chúng tôi nêu ra một số vấn đề liên quan đến tính pháp lý của việc xuất hóa đơn GTGT và kê khai thuế GTGT tại chi nhánh/công ty con trong mối quan hệ với trụ sở chính/công ty mẹ liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa, luân chuyển hàng hóa để doanh nghiệp có thể tham khảo.

1. Công ty con ký hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty mẹ có xuất hóa đơn GTGT không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 190 Luật doanh nghiệp 2014, “hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập”. Theo đó, công ty con là công ty mẹ là những pháp nhân độc lập với nhau về mặt pháp lý, do đó công ty con và công ty mẹ khi có hoạt động mua bán hàng hóa phải ký kết hợp đồng với nhau. Về vấn đề xuất hóa đơn GTGT, điểm a Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC[1] sửa đổi điểm b Khoản 1 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định: người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất). Do công ty con và công ty mẹ là những pháp nhân độc lập với nhau về mặt pháp lý nên công ty con phải lập hóa đơn riêng, độc lập đối với công ty mẹ. Việc công ty con sử dụng hóa đơn của công ty mẹ khi bán hàng là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Thông tư 39/2014/TT-BTC.

2. Lập hóa đơn GTGT như thế nào khi luân chuyển hàng hóa qua lại giữa chi nhánh và công ty?
Khoản 2.6 Phụ lục số 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC[2] quy định về hóa đơn bán hàng hóa như sau:
- Tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hóa cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng ở khác địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để bán hoặc xuất điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau; xuất hàng hóa cho cơ sở nhận làm đại lý bán đúng giá, hưởng hoa hồng, căn cứ vào phương thức tổ chức kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:
  + Sử dụng hóa đơn GTGT để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau;
  + Sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động nội bộ; Sử dụng Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý theo quy định đối với hàng hóa xuất cho cơ sở làm đại lý kèm theo Lệnh điều động nội bộ.
- Chi nhánh khi bán hàng phải lập hóa đơn theo quy định giao cho người mua, đồng thời lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về cơ sở có hàng hóa điều chuyển hoặc cơ sở có hàng hóa gửi bán (gọi chung là cơ sở giao hàng) để cơ sở giao hàng lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa thực tế tiêu thụ giao cho chi nhánh.
- Chi nhánh thực hiện kê khai nộp thuế GTGT đối với số hàng xuất bán cho người mua và được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT của cơ sở giao hàng xuất cho.

3. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc kê khai thuế GTGT ở đâu?
- Trường hợp chi nhánh cùng tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) với trụ sở chính:
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư 56/2013/TT-BTC[3], nếu chi nhánh cùng địa phương với trụ sở chính thì kê khai tại trụ sở chính. Chú ý:
  + Nếu những chi nhánh này có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng và trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế GTGT đầu vào, đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng.
  + Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke thì Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế.
- Trường hợp chi nhánh ở khác tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) với trụ sở chính:
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 11 Thông tư 56/2013/TT-BTC, nếu chi nhánh khác địa phương với trụ sở chính thì kê khai thuế GTGT tại chi nhánh. Lưu ý, những chi nhánh này không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì kê khai thuế tại trụ sở chính.
- Đối với chi nhánh sản xuất:
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 11 Thông tư 56/2013/TT-BTC, những cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) khác tỉnh với trụ sở chính, không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì:
  + Trường hợp cơ sở sản xuất trực thuộc có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại địa phương nơi sản xuất, khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải lập hóa đơn GTGT làm căn cứ để kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi sản xuất.
  + Trường hợp cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán thì kê khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc.
 
4. Thời điểm lập hóa đơn GTGT là khi nào?
Căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC, thời điểm lập hóa đơn GTGT là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Kết luận:
Một số doanh nghiệp có sự nhầm lẫn tư cách pháp lý của chi nhánh, công ty con dẫn đến việc xuất hóa đơn không phù hợp trong quá trình giao dịch. Vi phạm pháp luật về thuế liên quan đến việc xuất hóa đơn của chi nhánh, công ty con gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp do bị loại trừ chi phí; truy thu thuế; phạt khai sai, chậm nộp; tốn kém chi phí và thời gian do kiểm tra, thanh tra, giải trình; ảnh hưởng uy tín... Do đó, doanh nghiệp, chi nhánh cần xem xét kỹ quy định liên quan để tuân thủ, tránh những rủi ro không đáng có.



[1] Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ tài chính hướng dẫn Thuế giá trị gia tăng và Quản lý thuế tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP, sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-BTC về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
[2] Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoá đơn bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ.
[3] Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Quản lý thuế.

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Xuất hóa đơn giá trị gia tăng và kê khai thuế ở chi nhánh và công ty con – những vấn đề cần lưu ý nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Xuất hóa đơn giá trị gia tăng và kê khai thuế ở chi nhánh và công ty con – những vấn đề cần lưu ý chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây