Xung đột quyền trong bảo hộ nhãn hiệu và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng – hướng xử lý

Thứ năm - 12/09/2019 03:08
Nhãn hiệu được bảo hộ dưới hình thức bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ quyền tác giả. Quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đều là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tuy nhiên, đây là hai bộ phận độc lập của quyền sở hữu trí tuệ, được bảo hộ theo hai cơ chế có nhiều điểm khác biệt cơ bản. Do đó, thực tế một đối tượng có thể vừa được bảo hộ dưới hình thức tác phẩm mỹ thuật ứng dụng vừa được bảo hộ nhãn hiệu. Trong một số trường hợp, việc bảo hộ song song nêu trên dẫn đến xung đột quyền.

Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở khái niệm, điều kiện và cơ chế bảo hộ nhãn hiệu và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, chúng tôi sẽ nêu ra nguyên nhân và hướng xử lý khi có hiện tượng xung đột quyền trong bảo hộ hai loại tài sản trí tuệ này.

1. Vấn đề xung đột quyền trong bảo hộ nhãn hiệu và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau[1]. Pháp luật quy định nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau: (i) Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc; (ii) Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác; (iii) Không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 73 và Điều 74[2] Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, bất kỳ dấu hiệu nào nếu thỏa mãn các điều kiện nêu trên đều có thể được pháp luật bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu. Trong khi đó, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí[3].
Như vậy, từ các khái niệm nêu trên có thể thấy rằng, một biểu tượng, hình ảnh, logo của doanh nghiệp, hình ảnh của nhân vật trong truyện tranh… đều có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu và/hoặc danh nghĩa là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Hay nói cách khác, đối tượng để được bảo hộ nhãn hiệu và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thể tương tự/ giống nhau.
Tuy đối tượng có thể tương tự/ giống nhau nhưng cơ chế bảo hộ hai loại tài sản trí tuệ này là khác nhau. Cụ thể, theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ, dấu hiệu muốn được bảo hộ là nhãn hiệu thì chủ sở hữu phải tiến hành thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam theo thủ tục, trình tự được pháp luật quy định chặt chẽ, trong đó có bước xét nghiệm nội dung nhằm đánh giá khả năng bảo hộ. Trong khi đó, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ một cách tự động mà không cần qua bất cứ thủ tục xác lập quyền nào. Mặc dù vậy, trên thực tế, chủ sở hữu các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thường đăng ký bảo hộ các tác phẩm này tại Cục bản quyền tác giả Việt Nam. Việc đăng ký các tác phẩm này không có ý nghĩa như một thủ tục xác lập quyền nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trên thực tế. Khác với thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không có khâu thẩm định nội dung, không tra cứu xem nội dung tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có trùng hay sao chép của ai hay không, chỉ sau khi có sự khiếu nại thì nội dung của tác phẩm mới được xem xét. Điều này dẫn đến khả năng một dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn đã được một chủ thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhưng lại được chủ thể khác đăng ký bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và đều được cấp văn bằng bảo hộ. Đây là nguyên nhân làm phát sinh hiện tượng xung đột quyền trong bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu.

2.Hướng xử lý khi có hiện tượng xung đột quyền trong bảo hộ nhãn hiệu và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng
Căn cứ Khoản 1 Điều 17 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, đối tượng được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu của một chủ thể có thể bị hủy bỏ hiệu lực hoặc cấm sử dụng nếu xung đột với quyền tác giả bảo hộ chính đối tượng đó là tác phẩm thuộc sở hữu của chủ thể khác được xác lập trước. Việc hủy bỏ văn bằng cần xem xét cụ thể căn cứ Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ.
Ngược lại, căn cứ Khoản 2 Điều 55 Luật Sở hữu trí tuệ, giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ bị hủy bỏ hiệu lực nếu chủ sở hữu nhãn hiệu chứng minh được người được cấp không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tác phẩm được đăng ký không thuộc đối tượng được bảo hộ.
Theo đó, văn bằng bảo hộ về quyền tác giả (tác phẩm mỹ thuật ứng dụng) là cơ sở để chủ sở hữu tác phẩm mỹ thuật ứng dụng sử dụng, khai thác đối tượng được bảo hộ. Khi phát sinh tranh chấp do xung đột quyền, các bên liên quan phải chứng minh quyền của mình theo các quy định nêu trên. Trong trường hợp quyền tác giả của chủ sở hữu tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ trước khi nhãn hiệu của các chủ thể khác được bảo hộ, quyền của chủ sở hữu tác phẩm mỹ thuật ứng dụng sẽ được bảo vệ. Ngược lại, các chủ thể khác phải chứng minh chủ thể sử dụng tác phẩm mỹ thuật không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và tác phẩm không phải sản phẩm sáng tạo mà là sự sao chép dấu hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu để bảo vệ nhãn hiệu của mình.

Kết luận:
Pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để ngăn xung đột quyền trong bảo hộ nhãn hiệu và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng ngay từ khâu đăng ký bảo hộ. Do đó, khi có tranh chấp sẽ xử lý như trên. Trường hợp văn bằng của chủ thể nào bị hủy thì chủ thể đó phải chấm dứt quyền khai thác đối tượng được bảo hộ để tránh bị xử lý do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể khác.



[1] Khoản 16 Điều 4 Luật SHTT.
[2] Điều 73 Luật SHTT liệt kê các dấu hiệu không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu. Điều 74 Luật SHTT quy định về khả năng phân biệt của nhãn hiệu, trong đó có liệt kê các trường hợp mà nhãn hiệu không bị coi là có khả năng phân biệt.
[3] Khoản 2 Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Xung đột quyền trong bảo hộ nhãn hiệu và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng – hướng xử lý nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Xung đột quyền trong bảo hộ nhãn hiệu và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng – hướng xử lý chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây