Chuyển hoạt động công đoàn từ chi nhánh về trụ sở công ty

Thứ sáu - 24/03/2017 04:58
Chuyển Công đoàn cơ sở từ Chi nhánh tại Đồng Nai về trụ sở công ty tại TP. Hồ Chí Minh trong khi Đảng bộ vẫn hoạt động tại Chi nhánh.

    1. Cơ sở pháp lý
   Tổ chức, hoạt động của Công đoàn cơ sở chịu sự điều chỉnh của Bộ luật lao động năm 2012, Luật Công đoàn năm 2012, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Điều lệ Đảng do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua năm 2013.
    2. Địa điểm hoạt động của Công đoàn cơ sở
   Qua đối chiếu Bộ luật lao động, Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam hiện hành, không có quy định nào buộc tổ chức Công đoàn phải hoạt động theo địa chỉ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
   Khoản 2 Điều 16 Điều lệ công đoàn Việt Nam và Điều 12 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ năm 2014 hướng dẫn thực hiện Điều lệ công đoàn Việt Nam quy định về hình thức tổ chức Công đoàn cơ sở, cụ thể:
   - Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và có từ năm đoàn viên công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam thì được thành lập công đoàn cơ sở;
   - Sau khi được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý, công đoàn cơ sở có quyền quyết định thành lập công đoàn cơ sở thành viên đối với tổ chức không có tư cách pháp nhân, chịu sư chi phối trực tiếp của doanh nghiệp có công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở chỉ đạo toàn diện đối với công đoàn cơ sở thành viên và phân cấp một số nhiệm vụ, quyền hạn cho công đoàn cơ sở thành viên;
   -Công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên có các đơn vị công tác, sản xuất khác nhau nếu cần thiết thì thành lập công đoàn bộ phận, tổ công đoàn. Công đoàn bộ phận do công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cơ sở thành viên chỉ đạo hoạt động và phân công nhiệm vụ. Tổ công đoàn do công đoàn cơ sở, hoặc công đoàn cơ sở thành viên, hoặc công đoàn bộ phận thành lập và chỉ đạo hoạt động.
  Theo đó, tùy nhu cầu của doanh nghiệp mà lựa chọn hình thức tổ chức công đoàn cơ sở phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Địa điểm hoạt động phụ thuộc vào hình thức tổ chức công đoàn cơ sở.
   3. Mối quan hệ trong hoạt động giữa Công đoàn cơ sở và Đảng bộ
   Hoạt động của Công đoàn chịu sự lãnh đạo theo chính sách, đường lối của Đảng. Điều này được thể hiện qua:
   - Điều  1 Luật Công đoàn năm 2012:
  “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; ...”
   - Khoản 1 Điều 41 Điều lệ Đảng:
  “1. Đảng lãnh đạo Nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
   Tuy nhiên, không có quy định pháp luật nào buộc Công đoàn phải hoạt động cùng địa điểm với Đảng bộ.
   4. Về việc chuyển hoạt động của Công đoàn cơ sở
   Về nguyên tắc, việc thành lập, hoạt động của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tại Việt Nam hiện nay dựa trên tinh thần tự nguyện, trong đó có Công đoàn. Do đó, quy định pháp luật điều chỉnh liên quan còn hạn chế.
   Xét về mặt thực tế, nhu cầu chuyển hoạt động của Công đoàn theo yêu cầu hoạt động của công ty là chính đáng.
   Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về thủ tục chuyển hoạt động của Công đoàn mà chỉ quy định chuyển sinh hoạt của Đoàn viên Công đoàn khi chuyển nơi làm việc tại Khoản 2 Điều 2 Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Vì chưa có cơ chế pháp lý điều chỉnh nên việc chuyển hoạt động Công đoàn phụ thuộc vào hướng dẫn của cơ quan quản lý Công đoàn cấp trên. Do đó, doanh nghiệp cần linh hoạt trong việc tiếp xúc với Công đoàn cấp trên của Công đoàn tại nhà máy để nắm rõ thủ tục và đạt được mục tiêu chuyển hoạt động Công đoàn cơ sở của doanh nghiệp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây