Một vài điểm mới Luật doanh nghiệp 2014

Thứ ba - 24/05/2016 23:34
Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN 2014) đã chính thức có hiệu lực kể từ 01/7/2015. So với Luật Doanh nghiệp năm 2005, LDN 2014 tăng 41 điều. Chương IV quy định về Doanh nghiệp nhà nước với 22 điều. Điều 10 quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội là điểm mới hoàn toàn so với LDN 2005.
LDN 2014 có một số đổi mới cơ bản, cụ thể như sau:
Một là, LDN 2014 quy định theo hướng Doanh nghiệp chủ động hơn khi được tự lựa chọn các mô hình, phương thức,... phù hợp với nhu cầu và khả năng hoạt động của mình. Một số thay đổi điển hình như: cho phép công ty TNHH, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; cho phép lựa chọn cách bầu dồn phiếu hay không bầu dồn phiếu khi bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty cổ phần,...
Hai là, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành doanh nghiệp. Cụ thể, LDN 2014 luật hóa Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, luật hóa việc họp trực tuyến khi quy định cuộc họp được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác, xác định địa điểm họp là nơi chủ tọa tham dự họp. Quy định này đã thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các vấn đề thời gian, chi phí, khoảng cách.
 Ba là, luật hóa một số nội dung tiến bộ như việc dùng mã số thuế làm mã số doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH, tăng cường việc bảo vệ cổ đông nhỏ (cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện người quản lý doanh nghiệp). LDN 2014 bãi bỏ nhiều điều khoản không khả thi trong LDN 2005, như việc đăng ký danh sách cổ đông nắm giữ 5% vốn điều lệ công ty cổ phần vì việc chuyển nhượng cổ phần diễn ra thường xuyên; hoặc bãi bỏ quy định cấm một người đã làm Giám đốc (TGĐ) công ty cổ phần không được làm Giám đốc (TGĐ) Công ty khác.
Bốn là, Giấy CNĐKDN chỉ còn 4 nội dung so với 10 nội dung trước đây (bỏ mục ngành nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập, Chi nhánh, Văn phòng dại diện, Địa điểm kinh doanh,...)
Điểm gây chú ý nhất chính là quy định bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy CNĐKDN; bỏ việc xác định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề khi đăng ký kinh doanh. Điều này được hiểu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn là giấy phép kinh doanh nữa mà chỉ là cơ sở chứng nhận khai sinh một doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp muốn kinh doanh ngành nghề có điều kiện nào thì đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện của ngành đó rồi kinh doanh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khi thành lập doanh nghiệp không cần phải đăng ký ngành nghề nữa mà được hoạt động tất cả các ngành nghề pháp luật không cấm. Doanh nghiệp vẫn phải kê khai ngành nghề mà doanh nghiệp dự định kinh doanh trong hồ sơ đăng ký. Khi doanh nghiệp muốn hoạt động ngành nghề khác với những ngành nghề đã đăng ký thì thông báo cho Sở KH & ĐT, sau khi được chấp thuận thì tiến hành hoạt động.
Năm là, Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Thay vì phải đăng ký với cơ quan Công an như trước đây, Doanh nghiệp tự khắc dấu và chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Sáu là, cùng với Luật Đầu tư 2014, LDN 2014 đã chính thức bãi bỏ nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể đồng thời là Giấy CNĐKDN. Qua đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sau đó sẽ thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Bảy là, quy định các nguyên tắc để xác định, đăng ký vốn điều lệ của công ty, giải quyết tình trạng vốn không có thực (ảo). Trong đó điểm mới nhất là cho phép Công ty TNHH một thành viên được giảm vốn điều lệ. Đồng thời, LDN cũng quy định rút ngắn thời gian góp đủ vốn của thành viên, cổ đông khi thành lập doanh nghiệp thành 90 ngày kể từ ngày được cấp GCNĐKDN thay vì 03 năm như trước đây.
Tám là, chính thức thay đổi giảm tỷ lệ đại diện vốn góp dự họp từ 65% (LDN 2005) xuống còn 51%. Đồng thời giảm tỷ lệ % đại diện vốn góp dự họp đồng ý thông qua nội dung các quyết định. Luật cũng quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập, không tham gia điều hành trực tiếp doanh nghiệp; Bãi bỏ việc Đại hội đồng cổ đông bầu trực tiếp Chủ tịch hội đồng quản trị.
Chín là, không yêu cầu các công ty cùng loại mới được hợp nhất, sáp nhập, chia, tách. Đổi mới này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường mua bán doanh nghiệp (M&A) diễn ra sôi động hơn.
Mười là, Luật mới có các quy định nhằm giúp doanh nghiệp rút khỏi thị trường thuận lợi hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.
 Luật Doanh nghiệp năm 2014 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2015. Để triển khai LDN đã có hiệu lực mà chưa có Nghị định, thông tư hướng dẫn, BKHĐT đã ban hành công văn 4211/BKHĐT-ĐKKD hướng dẫn thủ tục  và quy định biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp. Ngày 14/9/2015, Nghị định 78/2015/NĐ-CP được ban hành để hướng dẫn LDN 2014 về đăng ký doanh nghiệp (có hiệu lực ngày 01/11/2015); Nghị định 98/2015/NĐ-CP hướng dẫn LDN 2014 có hiệu lực ngày 08/12/2015. Quy định tại các Nghị định này góp phần gỡ bỏ các vướng mắc khi thực thi LDN 2014.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây