Thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định Luật Phá sản 2014

Thứ tư - 23/08/2017 22:25
1.Điều kiện phá sản
Điều kiện mở thủ tục phá sản gồm một trong các trường hợp sau:
-   Doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán: doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
-   Khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với chủ nợ;
-   Khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

2.Chủ thể yêu cầu giải quyết phá sản
Căn cứ pháp lý: Điều 5 Luật Phá sản 2014 Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản[1]
Có 2 nhóm chủ thể yêu cầu giải quyết phá sản gồm: Chủ thể có quyền và chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
-    Chủ thể có quyền: Chủ nợ; Người lao động, tổ chức công đoàn; Cổ đông công ty; Thành viên hợp tác xã, đại diện pháp luật của hợp tác xã thành viên.
-    Chủ thể có nghĩa vụ: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

3.Thẩm quyền giải quyết
Căn cứ pháp lý: Điều 8 Luật Phá sản 2014 Thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân[2]; Điều 3 Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP.
Thẩm quyền giải quyết thủ tục phá sản thuộc về Tòa án nhân dân cấp Huyện và cấp Tỉnh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh.
Khoản 1 Điều 8 quy định về các trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Các trường hợp không thuộc thẩm quyền tòa án cấp tỉnh sẽ do tòa án cấp huyện thụ lý, giải quyết.

4. Trình tự thủ tục giải quyết
4.1 Thủ tục giải quyết
a)Nộp đơn và thụ lý đơn yêu cầu
-    Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền: Quy định từ Điều 26 đến Điều 29 Luật Phá sản theo từng nhóm chủ thể; Đơn nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện; Trường hợp đơn yêu cầu không đáp ứng điều kiện thì thẩm phán có thể yêu cầu bổ sung, sửa đổi, chuyển đơn hoặc trả lại đơn theo quy định tại Điều 35;
-    Thương lượng về việc rút đơn giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán: Quy định tại Điều 37 Luật Phá sản, trong thời hạn 03 ngày làm việc từ ngày tòa án nhận được đơn hợp lệ, các bên có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn; Thời hạn thương lượng không quá 20 ngày kể từ ngày tòa án nhận đơn hợp lệ;
-     Nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản: Quy định tại Điều 32 Luật phá sản, Khi xem xét đơn yêu cầu hợp lệ, thẩm phán được phân công ra thông báo nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản. Thời hạn gửi thông báo là 03 ngày làm việc kể từ ngày thẩm phán được phân công giải quyết (trừ trường hợp có thương lượng); Lệ phí phá sản nộp tại Cơ quan thi hành án dân sự; tạm ứng chi phí phá sản nộp vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo;
-    Thụ lý đơn yêu cầu và thông báo thụ lý: Quy định tại Điều 39, Điều 40 Luật Phá sản.
b)    Mở thủ tục phá sản
-     Ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, thông báo quyết định: Quy định tại Điều 42 Luật Phá sản, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày toà án thụ lý hồ sơ, thẩm phán ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định, tòa án phải gửi quyết định đến các chủ thể có liên quan, cơ quan chức năng;
-    Gửi giấy đòi nợ: Quy định tại Điều 66 Luật Phá sản, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Nội dung Giấy đòi nợ thực hiện theo Khoản 2 Điều 66;
-    Niêm yết danh sách chủ nợ, người mắc nợ: Quy định tại Điều 67, Điều 68 Luật Phá sản, thời hạn niêm yết không quá 45 ngày kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản;
-    Khiếu nại và giải quyết khiếu nại danh sách chủ nợ: Khiếu nại thực hiện trong thời hạn 05 ngày kể từ kết thúc thời hạn niêm yết;
-    Tổ chức Hội nghị chủ nợ: Quy định tại Điều 75 Luật Phá sản, 15 ngày kể từ ngày khoá sổ danh sách chủ nợ. Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ.
c)   Phục hồi hoạt động kinh doanh
Thủ tục phục hồi kinh doanh quy định từ Điều 87 đến Điều 96 Luật Phá sản.
-    Xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh: Quy định tại Điều 87 Luật Phá sản, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và gửi cho Thẩm phán, chủ nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cho ý kiến;
-    Thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh: Quy định tại Điều 91,  phương án được thông qua khi được quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành.
d)  Tuyên bố phá sản
-    Quyết định tuyên bố phá sản khi Hội nghị chủ nợ không thành theo Điều 106 Luật Phá sản:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp Hội nghị chủ nợ, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 80, khoản 4 Điều 83 và khoản 7 Điều 91 của Luật này.
-    Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ theo Điều 107 Luật Phá sản:
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết của Hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 83 của Luật này thì Tòa án nhân dân xem xét quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
2. Sau khi Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật này;
b) Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
-    Xóa đăng ký kinh doanh: Theo quy định Điều 109 Luật Phá sản, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra Quyết đinh tuyên bố phá sản, tòa án gửi quyết định đến cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện xóa đăng ký kinh doanh.
4.2 Hồ sơ đề yêu cầu mở thủ tục phá sản
-         Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nội dung đơn có các nội dung chủ yếu theo quy định từ Điều 26 đến Điều 29 tương ứng từng chủ thể nộp đơn yêu cầu. Trường hợp có đề xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ghi rõ tên, địa chỉ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Các giấy tờ kèm theo đơn yêu cầu gồm:
-         Đối với người nộp đơn là chủ nợ: Chuẩn bị giấy tờ chứng minh khoản nợ đến hạn;
-         Đối với người nộp đơn là người lao động, đại diện công đoàn: Có chứng cứ để chứng minh lương và các khoản nợ khác đến hạn; đại diện công đoàn chứng minh tư cách đại diện của mình;
-         Đối với người nộp đơn là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán (bắt buộc); cổ đông, nhóm cổ đông, thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên (nếu có) chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
a) Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong 03 năm gần nhất. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động chưa đủ 03 năm thì kèm theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong toàn bộ thời gian hoạt động;
b) Bản giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán; báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khôi phục doanh nghiệp, hợp tác xã mà vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán;
c) Bảng kê chi tiết tài sản, địa điểm có tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, trong đó phải ghi rõ tên, địa chỉ của chủ nợ, người mắc nợ, khoản nợ, khoản cho vay có bảo đảm, không có bảo đảm, có bảo đảm một phần đến hạn hoặc chưa đến hạn;
đ) Giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã;
e) Kết quả thẩm định giá, định giá giá trị tài sản còn lại (nếu có)./.
 
 



[1] Điều 5
1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
 
[2] Điều 8
1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
b) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
d) Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định Luật Phá sản 2014 nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định Luật Phá sản 2014 chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây