Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Thứ tư - 09/07/2014 00:29
Vay tài sản là vấn đề thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, do nhu cầu của đời sống, sản xuất và kinh doanh mà hoạt động vay và cho vay trở thành thiết yếu trong các hoạt động kinh tế. Sự mở rộng về chủ thể, phạm vi và giá trị tài sản cho vay, mục đích vay cũng đa dạng hơn nên đòi hỏi phải có một hình thức chặt chẽ ràng buộc trách nhiệm giữa các bên cũng như là cơ sở để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên về sau, đó chính là hợp đồng.
1. Khái quát về hợp đồng vay tài sản
Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2005 định nghĩa về Hợp đồng vay tài sản:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận, đàm phán giữa các bên, tuy nhiên đến khi ký kết hợp đồng các bên cũng không thể dự liệu tất cả những rủi ro có thể phát sinh liên quan đến hợp đồng và thực hiện hợp đồng. Do đó, tranh chấp hợp đồng là điều không tránh khỏi.
2. Các vấn đề thường phát sinh liên quan đến hợp đồng vay tài sản
- Lãi suất thỏa thuận vượt quá quy định của pháp luật hay còn gọi là cho vay nặng lãi;
- Tranh chấp về cách xác định lãi suất vào thời điểm nào: thời điểm giao kết hợp đồng hay thời điểm vi phạm nghĩa vụ thanh toán;
- Tranh chấp về nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi;
- Hợp đồng vay tài sản do các bên ký kết bị biến tướng thành hợp đồng dân sự khác (giả tạo hay còn gọi là hợp đồng giả cách), chẳng hạn thực tế là Hợp đồng vay tài sản nhưng khi thực hiện giao dịch thì bên cho vay yêu cầu bên vay phải ký kết dưới dạng hợp đồng đặt cọc mua bán nhà hoặc hợp đồng mua bán nhà.
3. Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
3.1 Thời hiệu khởi kiện
Hợp đồng vay tài sản thường được thực hiện trong thời gian dài, có nhiều thay đổi, bổ sung nên cần xác định thời hiệu khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện được xác định như sau:
- Đối với hợp đồng giao kết trước 01-7-1996 thì áp dụng quy định về thời hiệu theo điều 56 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự, có thời hạn khởi kiện là 3 năm kể từ ngày “vi phạm hợp đồng”.
- Thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo quy định cụ thể tại tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP về những trường hợp có thoả thuận mới.
- Quy định tại điều 162 BLDS 2005 về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện cũng phải được áp dụng cho việc xác định thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng giao kết trước 01-7-1996 (vì trước đây chưa có quy định này).
- Thời hiệu khởi kiện đối với các hợp đồng được xác lập từ 01-7-1996 đến 01-01-2005 được quy định cụ thể tại tiểu mục 1.2 mục 1 phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP là 2 năm kể từ 01-01-2005 nếu tranh chấp phát sinh từ 01-01-2005 trở về trước.
- Thời hiệu khởi kiện đối với các hợp đồng vay tài sản được xác lập từ ngày BLDS năm 2005 có hiệu lực đến trước ngày 01/01/2012 là 2 năm kể từ ngày tổ chức, các nhân biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
- Thời hiệu khởi kiện đối với các hợp đồng vay tài sản được xác lập từ ngày BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 có hiệu lực (01/01/2012): không áp dụng thời hiệu đối với việc đòi tiền gốc, thời hiệu khởi kiện đòi tiền lãi là 2 năm (BLTTDS và Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP).
3.2 Xác định dạng hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản có các dạng sau đây:
- Vay có kỳ hạn, có lãi;
- Vay có kỳ hạn, không lãi;
- Vay không kỳ hạn, có lãi; và
- Vay không kỳ hạn, không lãi.
Khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, cần xác định mức lãi suất từng thời điểm khác nhau khi thời gian vay kéo dài và mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng có sự thay đổi. Một hợp đồng vay tiền gồm có 3 (ba) thời điểm tính mức lãi suất cần phân biệt như sau:
- Mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng, vào thời điểm hai bên giao dịch.
- Mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng, vào thời điểm vi phạm nghĩa vụ thanh toán (ngày chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán).
- Mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng, vào thời điểm xét xử sơ thẩm.
Về lãi suất vay, Khoản 1 Điều 476 BLDS quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Tính lãi quá hạn: đối với hợp đồng vay có thời hạn thì thời gian tính lãi nợ quá hạn kể từ khi hết hạn vay. Lãi nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố ở thời điểm xét xử sơ thẩm, với thời gian tính lãi từ khi nợ quá hạn đến khi xét xử sơ thẩm.
3.3 Giải quyết một số tranh chấp liên quan đến Hợp đồng vay tài sản
Thứ nhất, trường hợp biến tướng của hợp đồng vay tài sản
HĐVTS do các đương sự ký kết bị biến tướng thành hợp đồng dân sự khác (giả tạo) nhưng lại được chính pháp luật dân sự thừa nhận khi phát sinh tranh chấp. Khi giải quyết những vụ này, người cho vay có nhiều thuận lợi hơn về chứng cứ (do các chứng cứ này đã được công chứng hoặc chứng thực) và thường được Toà án chấp nhận yêu cầu của họ, cho dù Toà án biết rõ đó là hợp đồng giả tạo để che giấu một hợp đồng khác. Lãi suất trong các hợp đồng này thường rất cao so với quy định của Điều 476 BLDS năm 2005. Người vay thường phải chịu thiệt hại theo hợp đồng biến tướng.
Ví dụ: các bên thực hiện việc cho vay – vay được che đậy bởi hợp đồng đặt cọc mua bán nhà. Đến hạn thanh toán, bên vay không trả được nợ thì bên cho vay buộc bên vay phải bán nhà. Sở dĩ bên cho vay buộc con nợ phải ký hợp đồng bán nhà (thường là giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường) là nhằm bảo đảm lợi ích của bên cho vay, thường là những đối tượng chuyên cho vay nặng lãi. Nếu chỉ ký hợp đồng thông thường với lãi suất cao, khi người vay không trả được nợ, bên cho vay kiện ra Toà án thì Toà án thường tuyên buộc con nợ phải trả nợ gốc và lãi với mức lãi suất tính tối đa cũng chỉ bằng 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng quy định. Chủ nợ thường ép con nợ phải ký giấy bán nhà, nếu không trả được nợ thì sẽ mất nhà. Vì vậy, khi tiến hành thu thập và đánh giá chứng cứ trong các hợp đồng đặt cọc mua bán nhà hay các hợp đồng giả cách khác, nếu có đủ chứng cứ để kết luận những hợp đồng trên giả tạo thì có thể áp dụng các quy định của Điều 129 và Điều 137 BLDS năm 2005 để tuyên bố vô hiệu và chuyển sang xét xử Hợp đồng vay tài sản với lãi suất cơ bản để buộc bên vay trả cho bên cho vay.
Thứ hai, xác định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với hợp đồng vay tài sản
Theo Điều 25 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Luật HNGĐ) quy định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch dân sự do một bên thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay thì chỉ có một căn cứ duy nhất để có thể xác định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện, đó là “…nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”. Thực tế, người cho vay thường khó có thể chứng minh khoản tiền mà họ cho vay đã được người vay sử dụng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình cho nên thông thường chỉ một bên (vợ hoặc chồng) phải trả nợ cho chủ nợ. Điều này dẫn đến khó khăn trong khâu thi hành án vì người vợ (hoặc chồng) không chấp nhận bán tài sản chung để cho người kia thi hành án. Trong những trường hợp này, cơ quan thi hành án thường phải để vợ chồng họ tự phân chia tài sản hoặc phải chờ bản án của Toà án xét xử phân chia tài sản chung của vợ chồng để có căn cứ thi hành án. Nếu họ không tự phân chia hoặc không yêu cầu Toà án phân chia thì việc thi hành án sẽ bị kéo dài, gây thiệt hại cho người cho vay.
Thứ ba, nghĩa vụ trả nợ của bên vay
Khoản 4 Điều 474 BLDS năm 2005 quy định: “Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận”. Đối với hợp đồng vay có thời hạn mà khi đến hạn, bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và bên cho vay không đồng ý gia hạn thì bên vay đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp này, vì trước đó giữa các bên đã thoả thuận một hợp đồng cho vay có kỳ hạn và không có lãi, nếu khi đến hạn, bên vay không trả nợ mà áp dụng lãi suất nợ quá hạn sẽ không có ý nghĩa của chế tài phạt vi phạm. Do đó, khi đến hạn mà bên vay không thực hiện nghĩa vụ thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả như Khoản 4 Điều 474, và đây cũng được coi là trường hợp pháp luật có quy định khác của Khoản 2 Điều 305.
Đối với hợp đồng vay có lãi và có kỳ hạn, Khoản 5 Điều 474 BLDS năm 2005 quy định: Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Quy định như Khoản 5 đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về cách tính lãi đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi trong trường hợp bên vay không trả hoặc không đầy đủ. Tuy nhiên, cần hiều chính xác rằng:
- Tiền lãi về nguyên tắc chỉ được tính trên nợ gốc (Khoản 2 Điều 209 BLDS năm 2005 quy định: Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thoả thuận khác).
- Nếu tính lãi suất nợ quá hạn thì phải tính theo thời gian chậm trả chứ không được tính trên thời hạn vay.
- Việc điều luật quy định “tương ứng với thời hạn vay” phải được hiểu là tương ứng với khoảng thời gian do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định, mà trong khoảng thời gian đó, bên vay được quyền sở hữu tài sản của bên cho vay. Bên cạnh đó, tại Khoản 4 Điều 474 BLDS năm 2005 cũng đã quy định là tính lãi theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả.
Tranh chấp về lãi suất
Trong Hợp đồng vay tài sản thì lãi suất là một yếu tố rất quan trọng vì nó là cơ sở để tính lãi và đa số các tranh chấp về Hợp đồng vay tài sản có nguyên nhân từ lãi, mức lãi suất. Về nguyên tắc, lãi suất cho vay cụ thể sẽ do các bên thoả thuận, tuy nhiên, nhằm ngăn ngừa hiện tượng cho vay nặng lãi và cũng tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp về lãi suất hoặc trong trường hợp không có cơ sở xác định rõ mức lãi đã thoả thuận, BLDS năm 2005 có quy định về mức lãi suất tại Khoản 1 Điều 476: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.
Khoản 1 Điều 476 BLDS hiện hành chưa xác định cụ thể hậu quả pháp lý của việc vi phạm quy định của pháp luật về lãi suất trong hợp đồng. Nội dung Khoản 1 Điều 476 chưa xác định rõ chế tài khi các bên thoả thuận mức lãi suất trong Hợp đồng vay tài sản vượt quá lãi suất quy định. Vấn đề này còn nhiều cách hiểu và cách vận dụng nên có kết quả xử lý khác nhau tùy vào quan điểm tòa án:
Một là, nếu thoả thuận trong hợp đồng vượt quá mức lãi suất quy định, thì phần vượt quá đó sẽ được cơ quan áp dụng pháp luật tính lại cho bằng với mức lãi suất quy định. Như vậy, nội dung của điều khoản này bị vô hiệu một phần, đó là phần vượt mức lãi suất quy định và phần vô hiệu này không ảnh hưởng đến toàn bộ điều khoản lãi suất của hợp đồng.
Hai là, nếu thoả thuận về điều khoản lãi suất trong hợp đồng là vi phạm pháp luật, thì nội dung của thoả thuận này bị xem là vô hiệu tuyệt đối. Và nếu toàn bộ điều khoản lãi suất vô hiệu, thì coi như hợp đồng vay không có lãi.
Ba là, nếu các bên thoả thuận vượt quá mức lãi suất quy định, rồi không nhất trí với nhau về mức lãi suất đó, dẫn đến tranh chấp tại Toà án, thì phải áp dụng Khoản 2 Điều 476 là có sự tranh chấp về lãi suất, thì lãi suất phải được Toà án xác định lại theo lãi suất cơ bản, chứ không phải tính lại cho bằng với 150% lãi suất cơ bản.
Khoản 2 Điều 476 BLDS năm 2005 quy định: “Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.
Thứ tư, hợp đồng vay tài sản có bảo đảm của người thứ ba
Trường hợp vay có bên thứ 3 bảo lãnh, trường hợp người vay không có khả năng trả nợ mà có người thứ ba nhận nghĩa vụ trả nợ thay nhưng chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện một phần, bên vay tài sản chết mà có di sản thừa kế và người thừa kế,...Trong trường hợp này, người cho vay có quyền kiện ai để bảo vệ quyền lợi của mình: kiện người vay hay bên bảo lãnh, bên nhận nghĩa vụ hay người thừa kế? Theo quy định pháp luật hiện hành, trong trường hợp người vay không có khả năng trả nợ và thuộc các trường hợp nêu trên thì người cho vay có quyền yêu cầu người bảo lãnh (Điều 369 BLDS)/người nhận nghĩa vụ trả nợ/người thừa kế (Điều 637 BLDS) thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho người vay.
Thứ năm, đơn phương chấm dứt hợp đồng vay do người vay sử dụng tài sản vay trái mục đích
Điều 475 BLDS năm 2005 quy định: Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
Ở đây, điều luật đã không quy định hậu quả pháp lý trong trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào. Nếu là vay có kỳ hạn và có lãi thì khi đòi lại tài sản vay trước kỳ hạn, bên cho vay có được trả lãi không? Trong trường hợp này, nên coi đây là một căn cứ để bên cho vay đơn phương chấm dứt hợp đồng. Khi đó, các bên sẽ giải quyết hậu quả của chấm dứt hợp đồng, tức là bên cho vay tài sản có quyền lấy lại tài sản, được hưởng lãi đến thời điểm chấm dứt hợp đồng và có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ năm, xét về hình thức hợp đồng
Hình thức của hợp đồng là một trong những vấn đề mang tính lý luận phức tạp của chế định hợp đồng. Tầm quan trọng của chúng không chỉ dừng lại ở giá trị chứng cứ khi nảy sinh tranh chấp mà còn liên quan đến việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, vấn đề hợp đồng vô hiệu, hậu quả pháp lý khi hợp đồng vô hiệu về hình thức. Đối với những hợp đồng giao kết bằng lời nói, nếu không có bên thứ ba làm chứng, sẽ tạo rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp. Bởi vậy, một bản HĐVTS được ký kết với những điều khoản được quy định rõ ràng là căn cứ xác đáng nhất để các bên thực hiện nghĩa vụ một cách trung thực và tự nguyện. Theo quy định tại Điều 401 BLDS thì hợp đồng không đương nhiên vô hiệu nếu vi phạm hình thức. Theo điều 134 BLDS, trong trường hợp có vi phạm về hình thức thì các bên có quyền thực hiện đúng hình thức trong một khoảng thời hạn nhất định, nếu quá thời hạn hợp đồng mới bị tuyên là vô hiệu.
Một số vướng mắc trong quy định pháp luật hiện tại về Hợp đồng vay tài sản
Hiện nay chưa xác định được ngoại tệ có phải là đối tượng của Hợp đồng vay tài sản hay không và biện pháp xử lý trong trường hợp cho vay ngoại tệ nhưng pháp luật không cho phép.
Cách xác định lãi suất trong Hợp đồng vay tài sản có đối tượng là vàng.
Quan hệ cho vay giữa tổ chức tín dụng (được phép hoạt động ngoại hối) với khách hàng chưa được điều chỉnh bởi các quy định về Hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng vay tài sản có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của cả bên cho vay và bên vay. Trong thời đại kinh tế thị trường, thương trường được hiểu đúng là “chiến trường”, hợp đồng vay tài sản tạo nguồn sống cho cá nhân, doanh nghiệp và cũng có thể “giết chết” chính họ. Do đó, trong quá trình thỏa thuận, đàm phán, ký kết hợp đồng, các bên cần có sự cẩn trọng đúng mực theo quy định pháp luật hoặc nhờ đến các luật gia hỗ trợ, không nên để tình cảm, sự nể nang chi phối để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Chúng tôi trên mạng xã hội