b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân (tự do thân thể của con tin) và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Thông thường, tội này xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người bị bắt cóc, còn người thân của người bị bắt cóc bị xâm hại đến sở hữu tài sản. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bị xâm hại nhân thân cũng là người bị xâm hại về sở hữu tài sản.
Đối tượng của tội phạm này là người bị bắt cóc và tài sản của người thân người bị bắt cóc hoặc tài sản của người bị bắt cóc.
- Khách quan:
Người phạm tội có hành vi bắt người khác trái pháp luật làm con tin. Hành vi bắt người trái pháp luật có thể bằng vũ lực hay bất cứ thủ đoạn nào (dụ dỗ, lừa dối, cho uống thuốc mê...) để giữ ở một nơi thuộc vùng kiểm soát của người phạm tội. Sau đó, người phạm tội tìm cách liên lạc với người thân của người bị bắt để đòi tiền, và đe doạ nếu không đưa tiền sẽ xâm hại đến đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người bị bắt. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc bất kỳ thủ đoạn nào khác khiến cho người bị bắt cóc sợ hãi mà sớm yêu cầu người thân giao nộp tài sản. Tuy nhiên, nếu việc dùng vũ lực mà gây thương tích hoặc chết người thì người phạm tội phải bị truy cứu thêm các tội phạm tương ứng.
Người bị bắt làm con tin thường là những người thân của người bị đòi chuộc bằng tài sản hoặc bất kỳ người nào mà Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho họ. Vì thế, người phạm tội có thể yêu cầu người thân của người bị bắt hoặc cơ quan, tổ chức có quan tâm đến sự an toàn của người bị bắt giao nộp tài sản.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có hành vi bắt cóc con tin và ra yêu cầu chuộc bằng tài sản, không cần người phạm tội đã lấy được tài sản chuộc hay chưa.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích vụ lợi (nhằm chiếm đoạt tài sản) là dấu hiệu bắt buộc của phạm tội này. Nếu hành vi bắt cóc con tin không nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ cấu thành tội phạm khác (bắt cóc trẻ em (Điều 120), bắt người trái phép (Điều 123)...).
Về mục đích chiếm đoạt tài sản có thể xuất hiện trước, trong hoặc sau khi hành vi bắt cóc diễn ra.
- Chủ thể: là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Tuy nhiên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, 3 và 4 Điều này.
c. Hình phạt chia làm 4 khung:
- Khung 1: bắt cóc một người và không có các tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
- Khung 2: bắt cóc thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:
¾ Có tổ chức.
¾ Có tính chất chuyên nghiệp.
¾ Tái phạm nguy hiểm.
¾ Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác.
Ở bốn trường hợp trên, chúng ta có thể tham khảo các tình tiết định khung đã được phân tích ở tội cướp tài sản.
¾ Đối với trẻ em.
Đây là trường hợp người phạm tội bắt cóc trẻ em làm con tin để đòi tiền chuộc của cha mẹ trẻ em hoặc bắt cóc người thân của trẻ em để chiếm đoạt tài sản của trẻ em. Tuy nhiên, thực tế thường xảy ra trường hợp đầu. Trẻ em ở đây là người chưa đủ 16 tuổi và là tình tiết thuộc yếu tố khách quan. Vì vậy, để áp dụng tình tiết này, không cần người phạm tội phải biết rõ đối tượng phạm tội là trẻ em mà chỉ cần trên thực tế, đối tượng phạm tội là trẻ em.
¾ Đối với nhiều người.
Để áp dụng tình tiết này, người bị bắt cóc hoặc bị đòi tiền chuộc phải từ hai người trở lên.
¾ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%.
Đây là thương tích do hành vi dùng vũ lực của người phạm tội đối với nạn nhân trong khi bắt cóc gây ra, như: đánh đập, tra khảo, giam cầm, bỏ đói, khát…
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
¾ Gây hậu quả nghiêm trọng.
Tham khảo “hậu quả nghiêm trọng” đã phân tích tại tội cướp tài sản.
- Khung 3: bắt cóc thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
¾ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.
Tương tự như trường hợp trên.
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; ¾ Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Tham khảo “hậu quả rất nghiêm trọng” đã phân tích tại tội cướp tài sản.
- Khung 4: bắt cóc thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
¾ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.
Tương tự như trường hợp trên về hậu quả “thương tích”. Nếu có hậu quả chết người xảy ra thì đó phải do lỗi vô ý của người phạm tội. Vì vậy, nếu trong quá trình dùng vũ lực, người phạm tội mong muốn hoặc để mặc cho người bị bắt chết thì phải xử người phạm tội thêm tội giết người (Điều 93).
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên. ¾ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tham khảo “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” đã phân tích tại tội cướp tài sản.
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Chúng tôi trên mạng xã hội