Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 03:37
a. Định nghĩa: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là hành vi bắt, giữ hoặc giam người không đúng với những quy định của pháp luật.
 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quyền tự do thân thể của công dân. Đối tượng tác động của tội phạm này là con người (người bị bắt, giữ, giam). Không có văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng của tội phạm này là người nào (người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch). Tuy nhiên, theo thực tiễn, con người ở đây có thể là bất kỳ người nào bị bắt, giữ, giam trái pháp luật.
- Khách quan:
Người phạm tội có các hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
+ Bắt người trái pháp luật là hành vi bắt người không thuộc các trường hợp luật cho phép bắt hoặc không có thẩm quyền bắt. Đây là trường hợp bắt người không phải phạm tội quả tang, đang bị đuổi bắt, đang có lệnh truy nã hoặc không có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hình thức bắt có thể là trói, cùm hoặc đe doạ dùng vũ lực buộc người bị bắt phải đến nơi của người bắt.
+ Giữ người trái pháp luật là hành vi giữ người không đúng quy định của pháp luật, giữ người không có lệnh của người có thẩm quyền, giữ quá hạn, không thuộc những trường hợp tạm giữ.
+ Giam người trái pháp luật là hành vi ra lệnh giam người không đúng quy định của pháp luật, giam người không có lệnh của người có thẩm quyền, giam quá hạn, không thuộc những trường hợp tạm giam.
Điều luật quy định ba loại hành vi là bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Chỉ cần thực hiện một trong ba hành vi thì mặt khách quan coi như đã thỏa mãn. Vì vậy, nếu người phạm tội có hành vi nào thì chúng ta xác định tội đó chứ không xác định cả ba hành vi khi người phạm tội chỉ thực hiện một hoặc hai hành vi.
Tiêu chí để xác định hành vi bắt, giữ hoặc giam người là trái pháp luật hay không là những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003, cụ thể là Điều 80, 81, 82, 86, 88 BLTTHS và các văn bản pháp luật có liên quan (như: Điều 39, 40 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính).
- Chủ quan: là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Mục đích không là dấu hiệu bắt buộc nhưng thực tế, việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật vì động cơ xấu thường bị xử nặng. Nếu việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là vì lợi ích chung thì chỉ bị xử lý hành chính. Trường hợp vì nghiệp vụ non kém mà bắt, giữ hoặc giam người không đúng pháp luật thì cũng không cấu thành tội này.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Tuy nhiên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều này.
 
c. Hình phạt chia làm 3 khung:
 
- Khung 1: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật không có các tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
- Khung 2: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
¾ Có tổ chức.
¾ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Để áp dụng tình tiết này, người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn và việc bắt, giữ hoặc giam người phải được thực hiện thông qua việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn. 
¾ Đối với người thi hành công vụ. 
Trong trường hợp này, đối tượng bị bắt giữ là người đang thi hành công vụ. Công vụ có thể là công vụ được giao cụ thể hoặc đương nhiên xuất phát từ nghề nghiệp như: chiến sĩ  công an đang làm nhiệm vụ, bác sĩ đang chữa bệnh, thầy giáo đang giảng bài…Cũng coi là người đang thi hành công vụ đối với một người tình nguyện tham gia giữ gìn an ninh trật tự cùng với những người đang thi hành công vụ khác. Ví dụ, người tham gia giữ trật tự công cộng với các dân quân tự vệ khi xảy ra chuyện đánh nhau. Chỉ coi là đang thi hành công vụ khi công việc đang thực hiện đó là hợp pháp.
¾ Phạm tội nhiều lần.
Đây là trường hợp bắt, giữ hoặc giam người từ hai lần trở lên.
¾ Đối với nhiều người.
Người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam từ hai người trở lên.
- Khung 3: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Đây là trường hợp do bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà gây ra những hậu quả về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người hoặc thiệt hại về tài sản, các thiệt hại khác. Những thiệt hại này xảy ra ngoài ý muốn của người phạm tội. Ví dụ, do bị bắt oan nên nạn nhân tự sát. Thực tiễn thường coi những thiệt hại về sức khoẻ mà tỷ lệ thương tật từ 41% trở lên là hậu quả nghiêm trọng. Đối với tài sản thì giá trị thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên được xem là gây hậu quả nghiêm trọng. Những thiệt hại khác có thể là gây mất lòng tin trong nhân dân, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng…
Lưu ý, nếu trong khi bắt, giữ hoặc giam người khác mà người phạm tội mong muốn hoặc để mặc cho người bị bắt, giữ hoặc giam chết thì phải xử thêm về tội giết người.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây