Người bị bức cung trong tội phạm này có thể là bị can, bị cáo, người đang bị tam giam, người đang chấp hành hình phạt tù. Cá biệt, đối tượng của tội phạm này còn có thể là những người tham gia tố tụng hình sự khác (người làm chứng, bị hại, các đương sự…).
- Khách quan:
Đây là tội phạm có CTTP vật chất. Mặt khách quan của tội phạm đòi hỏi ngoài dấu hiệu hành vi phải có dấu hiệu hậu quả cũng như quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả đó.
Hành vi phạm tội của tội này là hành vi cưỡng ép người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật bằng mọi thủ đoạn tâm lý trái pháp luật. Người phạm tội đã dùng những thủ đoạn khác nhau để tác động đến ý chí của những người này để buộc họ phải khai không đúng với sự thật và trái với ý muốn của họ. Thủ đoạn mà người phạm tội có thể dùng để cưỡng ép người bị thẩm vấn khai sai sự thật có thể là:
+ Đe doạ sẽ dùng nhục hình;
+ Đe doạ sẽ xử nặng;
+ Đe doạ sẽ bắt giam, xét xử người thân thích như vợ (chồng), con hay bố, mẹ già người đang bị thẩm vấn;
+ Đe doạ sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ tịch thu tài sản...v.v…
Hành vi cưỡng ép nói trên phải dẫn đến việc người bị thẩm vấn đã khai sai và do vậy đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho việc giải quyết vụ án. Hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là hậu quả xử sai một cách nghiêm trọng (oan hoặc bỏ lọt tội phạm, xử quá nặng hoặc xử quá nhẹ...) hoặc có thể là hậu quả bắt giam người oan sai.
Như vậy, hành vi “bức cung” sẽ cấu thành tội phạm khi thỏa mãn 3 điều kiện:
+ Dùng thủ đoạn tâm lý mang tính trái pháp luật (đe doạ);
+ Hành vi này dùng trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử;
+ Lấy được lời khai sai sự thật và gây hậu quả nghiêm trọng.
Nếu người phạm tội chưa lấy được lời khai sai sự thật, trong những trường hợp cụ thể, nếu thỏa mãn người phạm tội có thể bị truy cứu về tội dùng nhục hình.
Cùng với việc xác định hành vi cưỡng ép và hậu quả nghiêm trọng nói trên, điều luật cũng đòi hỏi phải xác định mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả. Người bức cung chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả do chính hành vi bức cung của họ gây ra. Nếu không có hành vi “bức cung” mà người thẩm vấn vẫn khai sai sự thật thì hành vi bức cung không cấu thành tội phạm vì khi đó không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bức cung và hậu quả khai sai sự thật.
- Chủ quan: lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu định tội nhưng có ý nghĩa khi xem xét khi quyết định hình phạt.
- Chủ thể: là chủ thể đặc biệt (người có trách nhiệm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử). Nếu chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn nhưng không phải là người có trách nhiệm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà có hành vi khách quan này thì có thể bị truy cứu về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 Bộ luật hình sự) hoặc tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282 Bộ luật hình sự)
b. Hình phạt chia làm 3 khung:
- Khung 1: bức cung trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: bức cung gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
- Khung 3: bức cung gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm.
Chúng tôi trên mạng xã hội