Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật (Điều 128 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 03:54
a. Định nghĩa: Buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật là hành vi của người sử dụng lao động, người sử dụng cán bộ, công chức vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác buộc những người này thôi việc trái pháp luật. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quyền được lao động của công dân. Đây là quyền được ghi nhận trong Hiến pháp 1992 (Điều 55, 56). Đối tượng tác động của tội phạm này là công việc của người lao động, cán bộ, công chức.
- Khách quan:
Người phạm tội có hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật. Buộc thôi việc trái pháp luật là buộc thôi việc không tuân thủ những quy định của pháp luật lao động (về lý do, thủ tục, các chế độ trợ cấp…). Hành vi buộc thôi việc phải được thực hiện bằng hành động (bằng miệng, vũ lực, bằng văn bản…). Nếu không có hành vi “buộc thôi việc” mà chỉ có bằng những thủ đoạn khiến người lao động, cán bộ, công chức không chịu được nên đã tự xin thôi việc thì không phạm tội theo Điều này. Về việc buộc thôi việc như thế nào là trái pháp luật, chúng ta có thể tham khảo các quy định của pháp luật lao động về những trường hợp được phép buộc thôi việc .
Hành vi buộc thôi việc trái pháp luật phải đã gây hậu quả nghiêm trọng mới cấu thành tội phạm. Thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đánh giá trong từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, do bị buộc thôi việc nên gia đình người lao động lâm vào hoàn cảnh kinh tế khốn cùng, phải bán nhà, mắc nợ, hoặc khiến người lao động trong doanh nghiệp, cơ quan phẫn nộ, đình công…
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích vụ lợi hay động cơ cá nhân khác là dấu hiệu pháp lý bắt buộc. Nếu hành vi buộc thôi việc không vì lợi ích cá nhân thì không cấu thành tội phạm này mà có thể bị truy cứu về tội phạm khác nếu có gây hậu quả nghiêm trọng, như tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
- Chủ thể: là người có thẩm quyền trong việc sử dụng người lao động, cán bộ, công chức (có chức vụ, quyền hạn). Người lao động, cán bộ, công chức ở đây hiểu là người làm trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh (của Nhà nước hay tư nhân). Vì đây là tội ít nghiêm trọng nên chỉ có người từ đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự theo Điều này.
 
c. Hình phạt:
 Người phạm tội này có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây