Tội cản trở việc thi hành án (Điều 306 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 05:01
a. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này ảnh hưởng trực tiếp đến tính nghiêm minh của pháp luật và
xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (người được thi hành án). Đối tượng
tác động của tội phạm này là hành vi của những người có thẩm quyền ra quyết định thi hành
bản án, quyết định của Toà án hoặc những người có thẩm quyền chấp hành bản án, quyết
định của Toà án nói tại Điều 305. 
Ngoài ra, người phạm tội cũng có thể tác động đến hành vi của người phải thi hành án để việc thi hành án không được thực hiện trên thực tế.
- Khách quan:
+ Người phạm tội có thể dùng mọi thủ đoạn (dụ dỗ, đe doạ, dùng tình cảm, quan hệ lãnh đạo, quản lý, tác động đến người thân của người có thẩm quyền…) để cản trở việc ra quyết định thi hành bản án, quyết định hoặc cản trở việc chấp hành bản án của chấp hành viên.
+ Người phạm tội cũng có thể có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tạo điều kiện cho người bị kết án hay bị đơn dân sự không chấp hành bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật (xúi giục người phải thi hành án bỏ trốn, tẩu tán tài sản…).
Tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” ở đây để chúng ta chú ý rằng, chỉ những người nào có chức vụ, quyền hạn và thông qua chức vụ, quyền hạn đó để cản trở việc thi hành án thì mới xem là trường hợp phạm tội này. Nếu có hành vi cản trở việc thi hành án nhưng do người không có chức vụ quyền hạn hoặc có chức vụ nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm thì không phải là trường hợp phạm tội này. Tuy nhiên, khi đó họ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm tội không chấp hành án (Điều 304 Bộ luật hình sự).
Tội phạm hoàn thành khi chủ thể thực hiện hành vi trên gây hậu quả nghiêm trọng.
 
 Đây là cấu thành tội phạm riêng trong mối quan hệ với cấu thành tội phạm chung của các tội phạm như tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 281), tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật (Điều 297)…Vì vậy, nếu người phạm tội có những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với có thẩm quyền nhằm cản trở việc thi hành án hoặc ép buộc người có thẩm quyền không được thi hành án thì sẽ cấu thành tội phạm tại Điều này chứ không cấu thành các tội phạm tại Điều 281 hoặc Điều 297.
 
- Chủ quan: lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ, mục đích phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
- Chủ thể: người có chức vụ, quyền hạn. Họ là những người có chức vụ, quyền hạn nhưng không có thẩm quyền trong việc ra quyết định thi hành bản án, quyết định của Toà án hoặc có thẩm quyền trong việc thi hành bản án, quyết định của Toà án.
 
b. Hình phạt:
 
  Khung 1: người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Khung 2: phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
+ Có tổ chức.
+Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây