Tội che giấu tội phạm (Điều 313 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 04:48
a. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử người phạm tội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp. Đối tượng tác động của tội phạm này là người phạm tội, tang vật, các dấu vết của tội phạm hoặc bất cứ đối tượng nào có thể là căn cứ để phát hiện, điều tra, làm rõ tội phạm. 
- Khách quan: thể hiện ở hành vi che giấu mà không có hứa hẹn trước một trong các tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự, liệt kê tại khoản 1 Điều 313. Che giấu tội phạm có thể là che giấu người phạm tội, tang vật, dấu vết…tội phạm. Hành vi che giấu thể hiện rất đa dạng nhưng cơ bản là được thực hiện một cách chủ động.
Ngoài ra, cũng bị xem là hành vi che giấu tội phạm khi người phạm tội dù không có hứa hẹn trước với người phạm tội nhưng đã có những hành vi nhằm cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Ví dụ, không cung cấp tài liệu, giấy tờ chứng minh tội phạm, không khai báo các thông tin chứng minh tội phạm khi được yêu cầu.
Hành vi che giấu tội phạm mà có hứa hẹn trước với người phạm tội là đồng phạm tội phạm đó. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử vẫn thường truy cứu người phạm tội với vai trò đồng phạm mặc dù hành vi che giấu không có hứa hẹn trước với người phạm tội nhưng được thực hiện một cách thường xuyên, nhiều lần (thỏa thuận, hứa hẹn ngầm). Tội phạm được thành hiện chủ thể có hành vi che giấu nói trên mà không cần xảy ra hậu quả.
 
 Chúng ta cũng cần lưu ý phân biệt hành vi phạm tội này với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250). Xét về dấu hiệu thì hai tội phạm này có một số điểm giống nhau (hành vi, đối tượng). Tuy nhiên, hai tội phạm này có điểm khác nhau cơ bản là ở tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, người phạm tội chỉ nhằm mục đích vụ lợi chứ không có mục đích giúp người phạm tội trốn tránh pháp luật. Đối tượng của tội phạm Điều 250 là tài sản do phạm tội mà có. Đối với tội che giấu tội phạm, đối tượng có thể là tài sản nhưng đó là tang vật có giá trị chứng minh tội phạm.
 
- Chủ quan: là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là tạo điều kiện cho người phạm tội trốn tránh pháp luật mà vẫn làm. Một vấn đề đặt ra ở đây là có cần bắt buộc người phạm tội phải biết mình đang che giấu các tội phạm được liệt kê tại khoản 1 Điều 313 không? Không có tài liệu giải thích chính thức. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chỉ cần người phạm tội biết rõ là mình đang “che giấu tội phạm”, không cần biết rõ đó là tội phạm gì nhưng khi xác định đó là tội phạm được liệt kê tại khoản 1 Điều 313 thì dấu hiệu chủ quan của tội phạm này đã thỏa mãn. Hay nói khác hơn, ở nội dung này, người phạm tội có thể thực hiện tội phạm với lỗi cố ý gián tiếp, biết mình che giấu tội phạm, bất chấp tội phạm mà mình che giấu có thuộc Điều 313 hay không.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
 
b. Hình phạt:
 
- Khung 1: người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại Điều 313 thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc  phạt tù từ sáu tháng đến năm năm:
- Khung 2: phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây