b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quan hệ sở hữu về tài sản. Đối tượng của tội phạm này là tài sản.
- Khách quan:
+ Người phạm tội có được tài sản là do: được giao nhầm mà trước đó người phạm tội không có bất kỳ hành vi lừa dối nào; tự tìm được tài sản (có thể là đào được tài sản thuộc quyền quản lý của Nhà nước - tượng phật, đồ cổ…); nhặt được (tài sản bị đánh rơi).
+ Người phạm tội có hành vi chiếm giữ những tài sản đó, gồm các hành vi: không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp; không giao nộp tài sản cho cơ quan có trách nhiệm mặc dù đã được yêu cầu giao lại mà người phạm tội không trả lại.
Hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm khi tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá. Luật di sản văn hoá (2001) quy định cụ thể thế nào là cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá.
Hành vi phạm tội này khác với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ở chỗ tài sản mà người phạm tội có được không phải được giao vì giao ước mà do được giao không đúng bản chất hoặc người phạm tội tự tìm thấy (khi đó chưa xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản). Tội phạm hoàn thành khi can phạm có các hành vi trên sau khi được yêu cầu trả lại mà không trả.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích vụ lợi (nhằm chiếm giữ tài sản) là dấu hiệu bắt buộc.
Có trường hợp người phạm tội không phải có được tài sản do một trong ba cách trên mà có được do mình tự chiếm lấy từ chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nhưng không có ý định chiếm đoạt mà chỉ có ý định chiếm giữ để chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó. Ví dụ, A thiếu nợ B nhưng không trả được nên B đã tự ý dắt xe gắn máy của A về nhà để buộc A phải trả nợ và hứa nếu A trả nợ, B sẽ trả lại xe ngay lập tức. Trong trường hợp này, người có hành vi chiếm giữ không có mục đích chiếm giữ bằng được tài sản mà chỉ muốn chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thực hiện nghĩa vụ của mình. Vì vậy, không có tội chiếm giữ trái phép tài sản xảy ra.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều này.
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
- Khung 1: chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Như thế nào là cổ vật hoặc vật có giá trị đặc biệt, Toà án phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn trong từng trường hợp cụ thể.
Chúng tôi trên mạng xã hội