Tội chống người thi hành công vụ (Điều 257 Bộ luật hình sự)

Thứ ba - 03/06/2014 04:41
a. Định nghĩa
 
Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm trật tự công cộng, gây trở ngại cho hoạt động
bình thường của những người đang thực hiện nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước hay tổ chức
giao cho.
Đối tượng tác động của tội phạm này là người đang thi hành công vụ. Người thi hành công vụ là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước nhất định (cán bộ thuế vụ, cảnh sát giao thông, bộ đội biên phòng... ).
 
 
Người đang thi hành công vụ nói tại Điều này rất đa dạng. Có thể họ là những người được Nhà nước giao cho công việc nhất định để thực hiện theo pháp luật, cũng có thể do người có thẩm quyền phân công trong từng trường hợp cụ thể. Cá biệt cũng có những trường hợp là công dân bình thường nhưng được điều động thực hiện một công vụ cấp bách nào đó vì lợi ích chung cũng được xem là người đang thi hành công vụ.
Lưu ý, tội phạm này chỉ bảo vệ những người có trách nhiệm, nhiệm vụ thực hiện “công vụ”.
Vì vậy, dù công chức đang thực hiện công việc nhưng công việc này vì lợi ích hoặc động cơ cá nhân
thì không được xem là phạm vi của tội phạm này nếu có hành vi chống lại công chức thực hiện công việc đó. Ví dụ, cảnh sát giao thông đang tuần tra chợt phát hiện A đang đi xe gắn máy (không vi phạm
luật giao thông), người đã từng đánh mình hôm trước, liền thổi còi dừng xe A lại để “kiếm chuyện”. A
thấy cảnh sát giao thông không kiểm tra giấy tờ  hoặc các hoạt động liên quan đến điều khiển phương
tiện mà chỉ đề cập đến chuyện riêng liền chống lại. Trường hợp này, A không bị xem là chống người
thi hành công vụ.
 
- Khách quan: có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Vũ lực dùng trong trường hợp này không thuộc trường hợp nói tại Điều 93, 104 Bộ luật hình sự. Cụ thể người phạm tội có thể có những hành vi sau:
+ Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ là dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ (đấm, đâm, chém...)
+ Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ... Sự đe doạ là thực tế có cơ sở để người bị đe doạ tin rằng lời đe doạ sẽ biến thành hiện thực.
+ Cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ.
+ Các thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là hành vi bôi nhọ, vu khống, đe doạ sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ…
Tất cả các hành vi nói trên người phạm tội thực hiện đối với người thi hành công vụ là để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi nêu trên để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc người thi hành công vụ có nghe theo yêu cầu của người phạm tội hay không không có ý nghĩa định tội.
Hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu TNHS về các tội phạm tại Chương XII Bộ luật hình sự (tội cố ý gây thương tích, tội giết người…).
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết mình đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật. Nếu một người khi thực hiện hành vi mà không biết là đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật, có cơ sở chính đáng thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng nếu có gây thương tích hoặc chết người.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
 
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
 
 Khung 1: chống người thi hành công vụ không có các tình tiết định khung tăng nặng thuộc khoản 2 Điều này, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: chống người thi hành công vụ thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
+ Có tổ chức.
+ Phạm tội nhiều lần.
+ Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
Trường hợp này, người phạm tội đã có hành vi xúi giục, lôi kéo, hoặc kích động người khác phạm tội chống người thi hành công vụ. Hành vi xúi giục, lôi kéo, hoặc kích động người khác phạm tội chống người thi hành công vụ phải được người khác đồng ý và thực hiện thì mới áp dụng tình tiết này đối với người phạm tội.
+ Gây hậu quả nghiêm trọng.
Nội dung “hậu quả nghiêm trọng” có thể tham khảo tại các tội phạm khác đã có văn bản hướng dẫn. Điều luật chỉ ghi nhận “hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, nếu hành vi đã gây “hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng” thì theo phép suy lý mạnh, người phạm tội cũng sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều này.
+ Tái phạm nguy hiểm.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây