Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác (Điều 286 Bộ luật hình sự)

Thứ ba - 03/06/2014 03:21
a. Định nghĩa
 
Cố ý làm lộ bí mật công tác là hành vi của một người nhận thức rõ là hành vi của mình làm lộ bí mật công tác, thấy trước hậu quả của hành vi đó, mong muốn hậu quả đó hoặc để mặc cho nó xảy ra.
Chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là hành vi của một người chuyển dịch (bằng mọi hình thức), mua bán, trao đổi hoặc bất kỳ hành vi nào làm cho tài liệu bí mật công tác bị huỷ không còn khả năng phục hồi lại được. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm chế độ quản lý của cơ quan, tổ chức về tài liệu bí mật công tác. Đối tượng tác động của tội phạm này là bí mật công tác. Bí mật công tác là các bí mật gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và gắn liền với nhiệm vụ công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ, đề thi, thông tin bí mật liên quan đến vụ án đang trong giai đoạn điều tra chưa được phép tiết lộ…v.v… Khi xác định một thông tin, tài liệu nào có phải là bí mật công tác hay không một mặt chúng ta căn cứ vào Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, mặt khác cần phải căn cứ vào các văn bản của từng ngành, liên ngành quy định về danh mục tài liệu bí mật công tác của cơ quan, tổ chức.
- Khách quan:
Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số trong số bốn hành vi sau:
+ Cố ý làm lộ bí mật công tác: thực hiện bằng lời nói, chữ viết hoặc bất kỳ hình thức
nào khiến tài liệu bí mật công tác bị tiết lộ (thể hiện qua hành động hoặc không hành động).
Tội phạm này hoàn thành khi người không có trách nhiệm (người không có quyền biết bí
mật đó) biết được bí mật, bất kể người biết đó sử dụng thông tin bí mật vào việc gì, có gây ra
hậu quả chưa.
+ Chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác là hành vi chuyển dịch bí mật công tác (bằng mọi hình thức) từ sở hữu hoặc thuộc quyền quản lý của người khác thành sở hữu hoặc quyền quản lý bất hợp pháp của mình.
+ Mua bán tài liệu bí mật công tác là hành vi mua tài liệu bí mật công tác; bán tài liệu
bí mật công tác; xin, nhặt, chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác để bán lại; tàng trữ, vận chuyển tài liệu bí mật công tác để bán lại; vận chuyển giúp cho người mua, bán tài liệu bí mật công tác.
+ Tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là huỷ hoại hoặc làm hư hỏng khiến cho tài liệu bí mật công tác không còn giá trị sử dụng, không thể phục hồi được nữa.
Lưu ý: hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác trong điều luật này không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 - tội gián điệp; Điều 263 - tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp, không cần dấu hiệu mục đích, động cơ. Nếu tài liệu bí mật công tác có bị lộ, bị mua, bán, chiếm đoạt, thiêu huỷ nhưng do lỗi vô ý của người có trách nhiệm quản lý tài liệu bí mật công tác thì không cấu thành tội phạm này mà có thể cấu thành tội phạm tại Điều 287 (có lỗi vô ý).
- Chủ thể: là chủ thể đặc biệt - người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức
trong khi thi hành công vụ và có tư cách biết được tài liệu bí mật công tác. Nếu người khác
thì không thể biết được bí mật này để phạm tội. Tuy nhiên, đối với hành vi mua bán, chiếm
đoạt hoặc tiêu huỷ thì có thể là chủ thể thường, người có đủ năng lực trách  nhiệm hình sự.
 
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
 
- Khung 1: cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán hay tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác không gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán hay tiêu huỷ tài liệu
bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7
năm.
Khoản 2 Điều này chỉ quy định hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung 2. Như vậy, nếu hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, dựa theo phương pháp suy lý mạnh, những hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây