Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 137 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 04:28
a. Định nghĩa: Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quan hệ sở hữu về tài sản. Ngoài ra, nó còn tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội. Đối tượng của tội phạm này là tài sản.
- Khách quan:
Người phạm tội có hành vi chiếm lấy tài sản của người khác một cách công khai mà không cần chạy thoát khỏi sự đuổi bắt của người quản lý. Nét cơ bản của tội phạm này là công khai lấy tài sản trước mặt người quản lý (không nhanh chóng tẩu thoát, không dùng thủ đoạn gian dối, vũ lực gì cả). Người phạm tội không cần tẩu thoát vì lợi dụng sự vướng bận của người quản lý, không thể đuổi bắt kịp. Sự vướng mắc của nạn nhân có thể do chủ quan hoặc khách quan, như đang tắm sông, thiên tai, chỗ đông người hoặc những hoàn cảnh khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn …Tuy nhiên, những sự vướng mắc này phải là do khách quan hoặc do người khác gây ra chứ không phải do người phạm tội gây ra. Ví dụ, A dựng xe gắn máy, chìa khoá vẫn còn trong ổ khoá, leo lên cây xoài cao khoảng 6 mét để bắt chim con trong tổ chim. M đã đến nổ máy xe chạy đi trước mặt A nhưng A không thể ngăn lại được vì khi đó A còn đang trên ngọn cây xoài. Trong trường hợp này, M phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Một ví dụ khác, N thấy B dựng xe trước cửa nhà mình, vào trong có việc. N đã xuất hiện, đóng cửa và khoá lại khiến B không thể ra được. Ở ngoài, N đã lấy xe của B đi mất. B nhìn qua cửa sổ thấy N lấy xe mình nhưng không thể ngăn cản được. Trường hợp này N phạm tội cướp tài sản chứ không phải công nhiên chiếm đoạt tài sản.
 Chỉ cấu thành tội phạm này khi tài sản chiếm đoạt có giá trị từ đủ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị thấp hơn nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hay đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì cũng cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn  thành khi kẻ phạm tội lấy được tài sản khỏi nơi cất giữ, không kể sau đó có giữ được hay không. Để đánh giá là hậu quả nghiêm trọng, chúng ta có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT - TANDTC - VKSNDTC - BCA - BTP (25/12/2001).
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích vụ lợi (nhằm chiếm đoạt tài sản) là dấu hiệu bắt buộc. Mục đích này chỉ có thể xuất hiện trước khi hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản diễn ra.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Tuy nhiên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 và 4 Điều này.
 
c. Hình phạt chia thành 4 khung:
 
- Khung 1: chiếm đoạt có giá trị từ đủ 2.000.000 đồng trở lên hoặc nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị thấp hơn nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm hay đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hành vi này, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: 
¾ Hành hung để tẩu thoát.
Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT - TANDTC - VKSNDTC - BCA - BTP (25/12/2001), hành hung để tẩu thoát là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát.
Hậu quả của sự hành hung phải chưa đến mức cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người. Nếu việc dùng vũ lực để tẩu thoát mà thỏa mãn các tội phạm này, người phạm tội phải bị truy cứu thêm về các tội phạm đó.
Cũng cần phân biệt sự hành hung để tẩu thoát với việc hành hung nhằm giữ bằng được tài sản. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản..
¾ Tái phạm nguy hiểm.
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
¾ Gây hậu quả nghiêm trọng.
- Khung 3: công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
¾ Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Khung 4: công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
¾ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Với các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT - TANDTC - VKSNDTC - BCA -BTP (25/12/2001), đã phân tích ở tội cướp tài sản.
 
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây