b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể:
Hành vi phạm tội xâm phạm đến sự tự do của cá nhân và gián tiếp ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
- Mặt khách quan:
Người phạm tội có những hành vi (chỉ có thể là hành động) khiến cho người bị đe doạ lo sợ mình sẽ bị giết. Hành vi này có thể qua cử chỉ (mài dao, lên đạn súng...) hoặc lời nói, viết thư, nhắn tin (“tao sẽ lấy mạng mày nay mai”, “ngày mai là ngày giỗ của mày”...), có thể được thực hiện đối với nạn nhân hoặc thông qua người khác mà người phạm tội biết rằng sẽ nói lại với nạn nhân. Hành vi đe doạ phải khiến cho người bị đe doạ thực sự lo sợ rằng lời đe doạ đó sẽ được thực hiện trên thực tế. Đây là dấu hiệu chủ quan từ phía nạn nhân nhưng lại là căn cứ cơ bản của tội phạm này. Để xác định dấu hiệu này, chúng ta cần dựa vào nhiều cơ sở (điều kiện khách quan, người đe doạ, nạn nhân, mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội...). Chẳng hạn, trong những điều kiện cụ thể, sự đe doạ đó khiến cho người ta tin là sẽ diễn ra, nhưng ở điều kiện khác thì không tin; sự đe doạ đó đối với người “gan thỏ đế” thì tin là sự thật, nhưng đối với người “gan cóc tía” thì không tin...Sự lo sợ từ phía nạn nhân này phải là sự lo sợ về hậu quả “chết người” chứ không phải hậu quả khác; hậu quả chết người này có thể do người phạm tội hay người khác tạo ra; chết người có thể xảy ra đối với chính nạn nhân hay người thân của nạn nhân (mà nạn nhân thật sự quan tâm).
Nguyễn Văn Điều và Đặng Thị Thu Hằng yêu nhau nhưng do không hợp nhau nên chị Hằng chia tay với anh Điều. Mặc dù đã chia tay, nhưng Điều vẫn thường xuyên theo dõi, bám theo Hằng. Được biết chị Hằng đã yêu ông Kosaku Sivata, 51 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, chuyên gia tư vấn thuộc Công ty Đại Thành đặt tại Hà Nội, Điều thường xuyên gửi các tin nhắn vào máy điện thoại cá nhân ông Sivata với nội dung xấu, hù doạ giết ông.
Đêm ngày 8/8, Điều đến nhà tìm gặp chị Hằng song không gặp, nên đã đưa một con dao nhọn nhờ em trai của chị Hằng chuyển cho ông Sivata. Ông Sivata nhận được con dao, cùng với những lời lẽ trong tin nhắn trước đó của Điều, sợ quá liền đi báo công an. Trường hợp này, Điều bị xem là phạm tội đe doạ giết người.
Nếu người phạm tội sau khi đe doạ lại có thêm một số hành vi (tương tự hành vi chuẩn bị giết người) và cố ý để nạn nhân hay người khác (mà người phạm tội biết là sẽ nói lại với nạn nhân) thấy mà tin là lời đe doạ có thật thì không xác định người phạm tội “chuẩn bị phạm tội” giết người. Bởi vì, tội đe doạ giết người nhằm khiến cho nạn nhân lo sợ chứ không nhằm mục đích giết người, cho nên người phạm tội cố ý để lộ âm mưu, kế hoạch... giết người. Đối với hành vi “chuẩn bị giết người”, người phạm tội nhằm mục đích giết người, cho nên phải giữ bí mật âm mưu của mình.
Trường hợp người phạm tội đe doạ giết người để thực hiện hành vi phạm tội khác (hiếp dâm, cướp tài sản, để tẩu thoát...) thì không phải là dấu hiệu khách quan của tội phạm này.
- Mặt chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết hành vi của mình sẽ làm cho nạn nhân thực sự lo sợ và mong muốn hậu quả lo sợ có ở nạn nhân.
- Chủ thể: là chủ thể thường, người có năng lực trách nhiệm hình sự (người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể chịu trách nhiệm hình sự theo Điều này).
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
- Khung cơ bản: người phạm tội đe doạ giết người khiến cho một người lo sợ hậu quả chết người xảy ra, thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
- Khung tăng nặng: người phạm tội đe doạ giết người trong những trường hợp sau thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
@Đe doạ giết người khiến cho nhiều người lo sợ. Trường hợp này, người phạm tội có thể đe doạ giết nhiều người nhưng cũng có thể đe doạ giết một người, miễn sao khiến cho từ 2 người trở lên lo sợ là thỏa mãn điểm này;
@Đe doạ giết người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
@Đe doạ giết trẻ em. Trẻ em ở đây được xác định là chưa đủ 16 tuổi;
@Đe doạ giết người để che giấu việc bị xử lý một tội phạm khác;
@Đe doạ giết người để trốn tránh việc bị xử lý một tội phạm khác.
Chúng tôi trên mạng xã hội