Đối tượng tác động của tội phạm này là người bị dùng nhục hình. Họ có thể là bị can, bị cáo hoặc phạm nhân đang thi hành án. Tuy nhiên, người bị tạm giữ hoặc những người có liên quan khác (người bị nghi ngờ là phạm tội được mời lên làm việc) vẫn có thể là đối tượng của tội phạm này.
- Khách quan:
Hành vi khách quan của tội phạm này thể hiện ở hành vi dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp (hành vi này luật hình sự của tất cả các nước trên thế giới đều cấm). Hành vi dùng nhục hình thể hiện ở chỗ: đánh đập, không cho ăn uống hoặc cho ăn uống không đạt tiêu chuẩn cho con người, bắt nằm ngoài trời ngủ hoặc “ngủ muỗi” (ngủ không có mùng), bắt quỳ gối suốt buổi hỏi cung hoặc bất kỳ hành vi nào đối xử với người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù như đối xử với loài vật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Việc dùng áp lực tâm lý để bị can khai rõ sự việc phạm tội của mình không được xem là dùng nhục hình. Ngoài ra, các cán bộ, chiến sĩ công an, cán bộ kiểm lâm, thu thuế…nếu có dùng vũ lực trong khi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà nếu hành vi dùng vũ lực có cấu thành tội phạm thì có thể cấu thành các tội phạm tương ứng của người đang thi hành công vụ làm chết người hoặc gây thương tích, tổn hại sức khoẻ người khác.
Hành vi phạm tội này hoàn thành khi người có trách nhiệm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có hành vi dùng nhục hình, không cần xảy ra hậu quả.
- Chủ quan: là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Động cơ, mục đích không là dấu hiệu định tội của tội phạm này.
Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc xác định động cơ là rất cần thiết. Theo một số tác giả, vẫn là tội phạm này dù đó là động cơ gì (cá nhân, nóng vội, muốn kết thúc sớm vụ án…). Tuy nhiên, theo chúng tôi, chỉ những người dùng nhục hình vì động cơ công vụ (nóng vội, thành tích, muốn kết thúc sớm vụ án…) mới có thể bị xét xử về tội phạm này. Nếu hành vi dùng nhục hình vì động cơ cá nhân mà gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người khác thì phải xem xét về các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ tương ứng. Có như thế mới đúng với bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vì hình phạt của tội phạm này khá nhẹ so với các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ tương ứng. Đồng thời, hành vi dùng nhục hình nếu vì động cơ cá nhân thì chẳng những không có ích gì cho hoạt động của các cơ quan tư pháp mà còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan tư pháp.
Mục đích của tội phạm này cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc. Vì vậy, nếu việc dùng nhục hình để người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật theo ý mình thì phải truy cứu thêm về tội bức cung.
- Chủ thể: người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Vì vậy, nếu là các nhân viên tư pháp nhưng không có trách nhiệm liên quan đến người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, người đang chấp hành hình phạt tù, nếu có dùng bạo lực thì tuỳ trường hợp sẽ bị truy cứu về các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ tương ứng chứ không thuộc tội phạm này.
b. Hình phạt chia làm 3 khung:
- Khung 1: dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, hoặc thi hành án, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
- Khung 3: dùng nhục hình gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm.
Chúng tôi trên mạng xã hội