Tội giả mạo trong công tác (Điều 284 Bộ luật hình sự)

Thứ ba - 03/06/2014 03:25
a. Định nghĩa
 
Giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
 
b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín. Đối tượng tác động của tội phạm này là giấy tờ, tài liệu hoặc chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
- Khách quan:
Người phạm tội có một trong các hành vi sau:
+ Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu (không thuộc bí mật Nhà nước): là
hành vi tẩy, xoá, thêm bớt, thủ đoạn khác làm cho giấy tờ, tài liệu không còn đúng với nội
dung vốn có của nó. Giấy tờ, tài liệu gồm nhiều loại, nhưng chủ yếu là các văn bản của các
cơ quan, tổ chức ban hành có liên quan đến quyền lợi của cá nhân, tập thể, cơ quan…
+ Làm, cấp giấy tờ giả. Làm giấy tờ giả là làm ra một hoặc một số giấy tờ mang tiêu đề, nội dung nhất định nhưng không đúng với nội dung khách quan. Những giấy tờ này, cơ quan, tổ chức không có ban hành hoặc có nhưng nội dung khác. Luật không quy định việc làm tài liệu giả nên nếu có hành vi làm tài liệu giả thì phải xem xét, chỉ tài liệu tồn tại trên “giấy” mới là đối tượng của tội phạm này. Cấp giấy tờ giả là hành vi cấp giấy tờ mà mình biết đó là giả cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Người làm và người cấp thường là một nhưng cũng có thể là khác nhau.
+ Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn: là hành vi tự nháy chữ ký (giả)
hoặc dùng thủ đoạn khác (in, photocopy…) để tạo chữ ký giả của người có chức vụ, quyền
hạn. Giả mạo chữ ký ở đây khác với hành vi giả mạo chữ ký trong một số tội phạm khác ở
chỗ chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn. Vì thế, chỉ khi người có chức vụ, quyền hạn
thông qua chức vụ, quyền hạn của mình để giả mạo chữ ký thì mới cấu thành tội phạm này,
nếu không thì có thể cấu thành những tội phạm tương ứng khác (làm giả giấy tờ, tài liệu).
Tội phạm hoàn thành khi chủ thể có một trong các hành vi kể trên mà không cần hậu
quả.
 
 Tội phạm này khác với tội làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan Nhà nước ở chỗ người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn. Mặt khác, các giấy tờ, tài liệu, bằng cấp ở tội phạm này là những đối tượng thật. Tuy nhiên, các đối tượng này đã bị người phạm tội sửa chữa, bổ sung, làm mới các thông tin không đúng sự thật hoặc cấp bằng không đúng đối tượng. Sở dĩ người phạm tội tiếp cận được các đối tượng thật này là vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Chức vụ, quyền hạn của người phạm tội có liên quan đến giấy tờ, tài liệu đó. Ví dụ, cán bộ đào tạo dùng phôi bằng (do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp) để làm và cấp bằng giả cho người không có học và tốt nghiệp.
 - Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích vụ lợi hay động cơ cá nhân là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hành vi giả mạo trong công tác là vì sự cần thiết của lợi ích chung thì không cấu thành tội phạm.
- Chủ thể: là chủ thể đặc biệt - người có chức vụ, quyền hạn.
 
c. Hình phạt chia làm 4 khung:
 
- Khung 1: giả mạo trong công tác không có các tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
- Khung 2: giả mạo trong công tác thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức.
+ Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu.
Chủ thể của tội phạm này luôn là người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó mới có thể lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu này. Tuy nhiên, không phải lúc nào người phạm tội cũng có thẩm quyền làm hoặc cấp các đối tượng đó. Vì vậy, trong trường hợp người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu đó thì sẽ áp dụng tình tiết này.
+ Phạm tội nhiều lần.
+ Gây hậu quả nghiêm trọng.
- Khung 3: giả mạo trong công tác gây hậu quả rất nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
- Khung 4: giả mạo trong công tác gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây