b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội này xâm phạm an ninh đối ngoại của nước CHXHCNVN, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
- Khách quan:
Người phạm tội có một hoặc một số hành vi trong số các hành vi sau:
+ Hoạt động tình báo: điều tra, thu thập tin tức tình báo bằng cách quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ, các phương tiện thông tin khác để thu thập thông tin;
+ Phá hoại: phá hoại cơ sở vật chất, phương tiện của Nhà nước, phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế, xã hội, chính sách đại đoàn kết dân tộc…;
+ Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: là những hành vi tạo ra cơ sở nhằm để hoạt động tình báo, phá hoại;
+ Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài;
+ Hoạt động thám báo: là hoạt động của những tên gián điệp thu thập những tin tức tình báo, chiến thuật quân sự bằng cách quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ, bắt cán bộ, nhân dân để khai thác thông tin…;
+ Chỉ điểm: là dùng ám hiệu để hướng dẫn cho người nước ngoài biết nơi cần thu thập thông tin, bắt cán bộ…;
+ Chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
+ Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài. Đây là trường hợp người phạm tội biết được thông tin là thuộc bí mật Nhà nước nhưng vẫn cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp cho nước ngoài. Việc nước ngoài có sử dụng được thông tin đó hay không không có ý nghĩa định tội. Bí mật Nhà nước được pháp luật Việt Nam quy định trong từng lĩnh vực cụ thể khác nhau.
+ Thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là trường hợp người phạm tội thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu không thuộc bí mật Nhà nước. Vì thế, hành vi này chỉ cấu thành tội phạm khi người phạm tội biết là tin tức, tài liệu đó để người nước ngoài dùng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tội phạm hoàn thành khi chủ thể thực hiện một trong các hành vi mô tả đó.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích chống chính quyền nhân dân cũng là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
- Chủ thể: bất kỳ người nước ngoài, người không quốc tịch hoặc công dân Việt nam có năng lực trách nhiệm hình sự.
Hoàng Quang Lý nguyên là sĩ quan tình báo của chế độ cũ, đã bị đưa đi tập trung cải tạo một thời gian dài. Sau khi cải tạo về, mặc dù còn bị quản chế ở địa phương, Lý đã lôi kéo thêm Đặng Văn Yên và một số tên khác bất mãn với chế độ mới, thực hiện hành vi sau đây nhằm trả thù chế độ mới: Trong một lần nhậu tại nhà một người bạn, Lý và Yên đã làm quen được với Quang là công nhân nhà máy quốc phòng X. Biết Quang đang có mâu thuẫn sâu sắc với Kiếm, quản đốc nhà máy, hai tên này đã kích động Quang trả thù Kiếm bằng cách gây thiệt hại cho nhà máy X trong ca trực của Kiếm để đổ tội cho Kiếm. Ban đầu, Quang không nhận lời vì sợ tù tội nhưng sau nhiều lần được Lý và Yên mời đi ăn nhậu, Quang đã nhận lời. Ngày 21/2/2002, theo sự chỉ dẫn của Lý và Yên, Quang đã làm nổ nồi hơi áp suất dẫn đến gây thiệt hại 200 triệu đồng. Sau một thời gian điều tra, lực lượng an ninh quân đội đã bắt được Quang. Thấy nguy cơ bị
lộ, Lý và Yên đã trốn đến nhà của Đặng Văn Thắng (anh họ của Yên) nói rõ sự việc và xin ở lại một thời gian để tìm cách trốn qua Hồng Kông, sau đó sang Mỹ. Trong thời gian đó, chúng đã liên lạc được với CIA. Theo lệnh của CIA, Lý và Yên đã móc nối với một số tên khác thu thập các tài liệu về tình hình an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội cũng như các tài liệu thuộc về bí mật Nhà nước để cung cấp cho tổ chức này.
Ngày 25/5/2002, khi chúng đang trên tàu ra vùng biển quốc tế thì bị bộ đội biên phòng bắt kèm theo tang vật.
Trong vụ án này, bên cạnh phạm tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCNVN (Điều 85), Lý và Yên còn phạm tội gián điệp (Điều 80). Riêng Quang chỉ phạm tội phá
huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia vì không có mục đích chống chính quyền nhân dân.
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
- Khung 1 (cơ bản): phạm tội gián điệp không thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
- Khung 2 (giảm nhẹ): phạm tội gián điệp thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
Trường hợp đã nhận làm gián điệp nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự về tội gián điệp.
Đối với tội gián điệp (Điều 80 BLHS), ở điểm a khoản 1 đã quy định hành vi khách quan là “gây cơ sở để hoạt động tình báo” sẽ được xem là thỏa mãn về mặt khách quan của tội gián điệp. Tuy nhiên, ở điểm b khoản 1 lại quy định “Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài”. Hành vi “gây cơ sở để hoạt động tình báo” quy định ở điểm a khoản 1 đã bao hàm hành vi được quy định ở điểm b khoản 1 Điều này vì đã “gây cơ sở để hoạt động tình báo” bất kể có sự chỉ đạo của nước ngoài hay không miễn là nhằm chống chính quyền nhân dân thì đã thỏa mãn mặt khách quan của tội gián điệp. Do đó, ở điểm b khoản 1 Điều 80 cần loại bỏ nội dung “gây cơ sở để hoạt động tình báo”. Ngoài ra, ở khoản 2 Điều này quy định cấu thành tội phạm giảm nhẹ đối với người phạm tội trong “trường hợp ít nghiêm trọng”. So với cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm giảm nhẹ có mức hình phạt thấp hơn nhiều (15 năm tù so với tử hình). Tuy nhiên, hiểu như thế nào là phạm tội gián điệp trong “trường hợp ít nghiêm trọng” hiện vẫn chưa có cơ sở thống nhất vì chưa có một văn bản nào hướng dẫn việc phạm tội gián điệp như thế nào là trong “trường hợp ít nghiêm trọng”. Thực tế này có thể dẫn đến việc các toà án áp dụng tình tiết này để chuyển khung hình phạt từ khoản 1 thành khoản 2 Điều 80 hoặc ngược lại một cách không có cơ sở. Đây cũng là điểm bất cập xuất hiện tại khoản 2 Điều 85 BLHS quy định về tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, Toà án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn như thế nào là phạm tội gián điệp, tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam “trong
trường hợp ít nghiêm trọng”, với những tình tiết liên quan đến: hậu quả của tội phạm; tính chất của hành vi phạm tội; hoàn cảnh thực hiện tội phạm; mức độ thực hiện tội phạm…
Chúng tôi trên mạng xã hội