Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 04:51
a. Định nghĩa: Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất giá trị sử dụng hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản.
 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quan hệ sở hữu về tài sản. Đối tượng của tội phạm này là tài sản bị huỷ hoại hoặc làm hư hỏng.
- Khách quan:
Người phạm tội có hai hành vi: 1) huỷ hoại tài sản hoặc 2) cố ý làm hư hỏng tài sản.
            + Huỷ hoại tài sản được hiểu là hành vi gây thiệt hại cho tài sản, dẫn đến tài sản đó không còn công dụng của nó nữa và không thể phục hồi công dụng được. Ví dụ, đốt nhà, dùng mìn nổ làm tan xác chiếc ô tô…
+ Cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi gây thiệt hại cho một tài sản nào đó nhưng còn khả năng sửa chữa được (khôi phục lại công dụng được). Ví dụ, dùng cây đập xe máy, đập cửa kính… Tài sản nói tại điều này gồm tất cả các loại tài sản hữu hình, tiền và các loại giấy tờ khác có giá trị. Lưu ý, chỉ  hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác mới cấu thành tội phạm. Ngoài ra, nếu tài sản đó là các đối tượng đặc biệt của các tội phạm cụ thể khác đã được quy định trong Bộ luật hình sự thì hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng chúng không cấu thành tội phạm này mà tuỳ từng trường hợp cụ thể sẽ định theo các tội phạm tương ứng đó. Ví dụ, đối tượng là công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia thì định tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231), đối tượng là rừng thì định tội huỷ hoại rừng (Điều 189)…v.v…
Chỉ gây thiệt hại cho tài sản mà giá trị bị huỷ hoại hoặc làm hư hỏng từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm hoặc nếu giá trị bị huỷ hoại hoặc làm hư hỏng dưới 2.000.000 đồng thì phải gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hay đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Tội phạm hoàn thành khi có hành vi gây thiệt hại đối với tài sản người khác (hậu quả là dấu hiệu bắt buộc).
- Chủ quan: là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Mục đích (huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản) không là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Tuy nhiên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 và 4 Điều này.
 
c. Hình phạt chia làm 4 khung:
 
- Khung 1: huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc nếu tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng thì phải gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hay đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
¾ Có tổ chức.
¾ Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác.
Đây là trường hợp người phạm tội dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác để huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Chất nổ, chất cháy có thể dễ xác định. Thủ đoạn nguy hiểm khác ở đây có thể được hiểu là những thủ đoạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của con người, như: dùng axít, chất độc, chất phóng xạ…để huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
¾ Gây hậu quả nghiêm trọng.
¾ Để che giấu tội phạm khác.
Tội phạm khác cần được che giấu để không bị phát hiện là bất kỳ tội gì.
¾ Vì lý do công vụ của người bị hại.
¾ Tái phạm nguy hiểm.
Đây là trường hợp mà người phạm tội đã tái phạm mà nay là phạm tội này.
¾ Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
- Khung 3: huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
¾ Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
¾ Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Khung 4: huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
¾ Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
¾ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã được phân tích ở các phần trước của bài này.
 
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây