Các quyết định này là các quyết định hành chính do cơ quan Nhà nước áp dụng đối
với các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức áp dụng chế tài hình sự (nếu là tội phạm nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi, bệnh tâm thần thì quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh - các biện pháp tư pháp, không phải là quyết định hành chính, thì không phải là đối tượng của tội phạm này).
Quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở đây được hiểu là quyết định hợp pháp. Nếu người bị áp dụng nghi ngờ tính hợp pháp của quyết định đó thì có thể khiếu nại với cơ quan Nhà nước đã ra quyết định. Trường hợp hết hạn mà cơ quan đó vẫn không trả lời hoặc trả lời là giữ nguyên quyết định thì người bị áp dụng có thể gửi đơn lên cơ quan Nhà nước cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa Hành chính giải quyết. Trong thời gian chờ giải quyết, người bị áp dụng vẫn phải chấp hành quyết định này.
Hành vi không chấp hành chỉ cấu thành tội phạm khi đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết mà vẫn không chấp hành.
Theo Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP (12/5/2006) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự, bị coi là “cố ý không chấp hành quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính” nếu người bị áp dụng quyết định hành chính có một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện quyết định hành chính sau khi đã được giao nhận quyết định hành chính đó theo đúng quy định của pháp luật;
b) Bỏ trốn khỏi nơi cư trú để trốn tránh việc chấp hành quyết định hành chính;
c) Bỏ trốn sau khi đã được đưa vào nơi lưu giữ để đưa đến cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
d) Bỏ trốn sau khi đã được đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc bỏ trốn khỏi nơi quản chế hành chính.
“Các biện pháp cưỡng chế cần thiết” là những biện pháp được pháp luật cho phép và được
quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như: xử phạt hành chính về hành vi không chấp hành
các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở
chữa bệnh, quản chế hành chính; tổ chức truy tìm bắt lại, lưu giữ đối với các trường hợp bỏ trốn... để
buộc những người có hành vi cố ý không chấp hành các quyết định hành chính của các cơ quan nhà
nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính phải chấp
hành các quyết định đó.
Trường hợp người đang chấp hành quyết định hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính nhưng trong thời gian chấp hành, người đó có những hành vi vi phạm nội quy của cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính và bị xử lý kỷ luật thì những lần bị xử lý kỷ luật đó không được coi là đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ theo Điều 269 của BLHS.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp.
- Chủ thể: là người chủ thể đặc biệt, tức là người đang có trách nhiệm thực hiện các quyết định hành chính.
b. Hình phạt:
Phạm tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Chúng tôi trên mạng xã hội