Tội không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 00:40
a. Định nghĩa: Tội không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là trường hợp người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả là người đó chết. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể:
Hành vi phạm tội này xâm phạm tính mạng của con người một cách gián tiếp.
- Mặt khách quan:
+ Người phạm tội là người có hành vi (không hành động) không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người mà tính mạng của họ đang trực tiếp bị đe doạ,  đòi hỏi sự cứu giúp kịp thời của người khác, nếu không sẽ dẫn đến hoặc có thể dẫn đến hậu quả chết người. Sự nguy hiểm này có thể do tai nạn bất ngờ; do những rủi ro khác hoặc do bị bệnh tật đòi hỏi phải được cấp cứu kịp thời. Sự nguy hiểm đến tính mạng có thể do bên ngoài đưa lại hoặc có thể do chính bản thân người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng tự gây ra. Trong trường hợp đó, người phạm tội phải không có bất kỳ hành vi nào để cứu giúp nạn nhân mới cấu thành tội phạm. Nếu có hành vi cứu giúp nhưng cuối cùng đã không cứu được nạn nhân thì không cấu thành tội phạm này.
+ Người phạm tội là người có đủ điều kiện và khả năng để cứu giúp, ngăn chặn hậu quả chết người xảy ra. Điều kiện này có thể do bẩm sinh, học tập, nghề nghiệp, hay khách quan mà có được. Việc cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân người cứu giúp cũng như người khác. Khả năng của bản thân cũng như các điều kiện bên ngoài khác hoàn toàn cho phép người phạm tội cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng người phạm tội đã không cứu giúp, không làm việc mà pháp luật cũng như đạo đức đòi hỏi. 
Khi xét một trường hợp cụ thể có đủ điều kiện và khả năng cứu giúp cần căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của người bị nạn, chứ không chỉ căn cứ vào
khả năng sẵn có của người cứu giúp. Ví dụ, một bác sĩ phẫu thuật, ngày chủ nhật vào rừng săn bắn, gặp một người bị đau ruột thừa cấp tính nếu không được mổ ngay thì chết. Vì không có dụng cụ phẫu thuật mà khu rừng lại xa nơi có dân cư, ít người qua lại. Người bác sĩ này đã cõng bệnh nhân ra khỏi khu rừng nhưng bệnh nhân đã chết. Qua đó, có thể thấy được rằng khả năng sẵn có của một người chỉ là tiền đề tạo điều kiện để có thể cứu được người bị nguy hiểm đến tính mạng, còn thực tế có cứu được hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác. Khả năng của con người chỉ phát huy được khi có những điều kiện cần thiết.  
Hậu quả:
Người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đã chết. Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
Quan hệ nhân quả:
Quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và hậu quả chết người cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hậu quả chết người đã xảy ra do nạn nhân không được cứu giúp; nếu được người phạm tội cứu giúp, hậu quả đó sẽ không xảy ra. Trường hợp nếu trước đó có người cố tình không cứu giúp nhưng sau đó lại được người khác cứu giúp nên không chết thì người có hành vi cố tình không cứu trước đó không bị coi là hành vi phạm tội này.
- Mặt chủ quan:
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, đòi hỏi cần được cứu giúp, nếu không được cứu giúp nạn nhân sẽ chết, mình có đủ điều kiện cứu giúp, có đủ điều kiện có thể ngăn chặn hậu quả chết người nhưng đã không cứu giúp. Nếu người không cứu giúp vì không nhận thức được tình trạng nguy hiểm đang diễn ra đối với người khác thì dù người đó có chết, người không cứu giúp cũng không bị coi là phạm tội. Ví dụ, một bác sĩ vì trình độ non kém không xác định được bệnh nhân đau ruột thừa cấp tính có thể dẫn đến chết người nếu không được kịp thời chữa trị nên không phẫu thuật do đó bệnh nhân chết.
- Chủ thể: là chủ thể thường, người có năng lực trách nhiệm hình sự (người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể chịu trách nhiệm hình sự theo Điều này).
 
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
 
- Khung cơ bản: người phạm tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng không phải do người phạm tội tạo ra. Trường hợp này, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
- Khung tăng nặng: người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm trong những trường hợp sau đây:
@Người phạm tội là người đã tạo ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân. Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân được người phạm tội tạo ra một cách vô ý, nhưng khác với trường hợp vô ý làm chết người. Do vô ý mà người phạm tội đã đưa nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng sau đó lại không cứu giúp mặc dù có điều kiện và khả năng ngăn chặn hậu quả chết xảy ra.
@Người phạm tội là người mà theo pháp luật phải có nghĩa vụ cứu giúp nạn nhân.
@Người phạm tội là người mà theo nghề nghiệp phải có nghĩa vụ cứu giúp nạn nhân.
 Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ,  cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây