b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, xâm phạm an ninh đối nội hoặc gây khó khăn cho quan hệ quốc tế, xâm phạm an ninh đối ngoại của nước CHXHCNVN.
- Khách quan:
Người phạm tội có một trong số các hành vi sau:
+ Xâm phạm tính mạng của nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội hoặc mọi công dân, người nước ngoài (giết người);
+ Xâm phạm sức khoẻ, tự do thân thể (bắt giữ người, gây tổn hại sức khoẻ…) của nhân viên Nhà nước (cán bộ, công nhân viên Nhà nước, bộ đội, công an…) hoặc của mọi công dân, người nước ngoài.
Tội phạm xem là hoàn thành kể từ khi chủ thể thực hiện một trong các hành vi được mô tả đã gây ra chết người, thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ con người, bắt người. Tội phạm cũng xem là cấu thành khi hành vi khủng bố đã đe doạ đến tính mạng hay khiến người khác sợ, lo lắng.
Nguyễn Hữu Chánh cùng một số người Việt sống lưu vong tại nước ngoài đã thành lập tổ chức phản động gọi là Việt Nam tự do và tự xưng là tổng chỉ huy của tổ chức. Để thực hiện âm mưu
chống phá Việt Nam, Chánh và đồng bọn chọn địa bàn Thái Lan và Campuchia để xây dựng lực lượng làm bàn đạp đưa người về Việt Nam. Tại đây, y hứa hẹn thưởng tiền, “thăng chức” để tập hợp, lôi kéo các đối tượng người Việt có tiền án tiền sự đang trốn tránh pháp luật và một số người nhẹ dạ cả tin khác vào tổ chức, như Nguyễn Thị Huệ, La Kim Hùng, Hồ Long Đức, Nguyễn Thanh Vân, Lê Văn Minh. Đây được coi là lực lượng nòng cốt được đưa về hoạt động ở những nơi có nhiều người Việt kiếm sống tại Campuchia và Thái Lan, nhằm lôi kéo, phát triển tổ chức. Sau đó, Chánh lập thành các nhóm hoạt động độc lập gọi là “biệt đoàn Bảo Long”, đồng thời tổ chức các lớp huấn luyện rồi đưa người về nước hoạt động.
Giữa tháng 3/2000, Chánh cử 2 tên Lê Thân và Nguyễn Thị Thu Thuỷ dự định dùng lựu đạn để ném vào nơi tổ chức lễ cúng giỗ giáo chủ Huỳnh Phú Sổ của đạo Hoà Hảo rồi tung tin Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo. Tuy nhiên, âm mưu của chúng đã bị phát hiện và ngăn chặn. Đối với hành vi này của bọn chúng có thể được coi là tội khủng bố nhưng ở giai đoạn chuẩn bị.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích chống chính quyền nhân dân hay gây khó khăn cho quan hệ quốc tế là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này.
- Chủ thể: bất cứ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Tuy nhiên, chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
c. Hình phạt chia làm 3 khung:
- Khung 1 (khung tăng nặng): khủng bố xâm phạm tính mạng của nhân viên Nhà
nước, nhân viên tổ chức xã hội hoặc mọi công dân, người nước ngoài, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là trường hợp mà hành vi
khủng bố đã gây ra hậu quả chết người (bất kể là chết mấy người cũng không có ý nghĩa định tội).
- Khung 2 (khung cơ bản): khủng bố xâm phạm phạm sức khoẻ hoặc tự do thân thể của nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội hoặc mọi công dân, người nước ngoài, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm. Hành vi phạm tội để được xác định là thuộc khoản 2 khi chỉ gây ra hậu quả thương tích hoặc chỉ bắt giữ con tin gây mất ổn định an ninh.
Khoản 1 Điều 84 quy định cấu thành tội phạm cơ bản của tội phạm này nêu rõ hành vi khách quan là “xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể của nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội hoặc mọi công dân khác nhằm chống chính quyền nhân dân, hoặc xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể của người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế”. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều này lại quy định “trường hợp người phạm tội thực tế chỉ có hành vi xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ” của các đối tượng trên, cũng với mục đích chống chính quyền nhân dân. Như vậy, người áp dụng không thể biết được khi nào thì định tội theo khoản 1 và khi nào định tội theo khoản 2 nếu người phạm tội chỉ thực tế xâm phạm tự do hoặc xâm phạm sức khoẻ của người khác bởi vì điều luật không xác định rõ là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác đạt tỷ lệ bao nhiêu phần trăm (mức tối thiểu và tối đa) thì xác định hành vi phạm tội thuộc khoản 2. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc xác định mức tối thiểu là không cần thiết nhưng phải xác định mức tối đa của tỷ lệ thương tật do hành vi khủng bố gây ra. Thiết nghĩ, chỉ những hành vi khủng bố nào gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 60% trở xuống. Trường hợp phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc có thể dẫn đến chết người thì cần xác định thuộc khoản 1. Nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người thì tỷ lệ thương tật có thể thấp hơn vẫn xác định thuộc khoản 1 nếu tổng tỷ lệ thương tật đạt yêu cầu.
- Khung 3: hành vi khủng bố nếu chỉ đe doạ xâm phạm đến tính mạng, hoặc uy hiếp tinh thần của nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội hoặc mọi công dân, người nước ngoài thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Hành vi đe doạ hoặc uy hiếp tinh thần phải đến mức làm cho người bị đe doạ, uy hiếp tin là sự thật thì mới thỏa mãn dấu hiệu khách quan của khoản 3 Điều này.
Chúng tôi trên mạng xã hội