b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.
- Khách quan:
Người phạm tội có mọi hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác (chửi, xé quần áo, bêu xấu, nhổ nước bọt vào mặt, vẽ bậy, viết bậy...) trước những người xung quanh. Hành vi làm nhục người khác có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc hành động, có thể thực hiện trước mặt hoặc sau lưng người bị hại miễn sao người phạm tội cố ý để hành vi làm nhục đến tai người bị hại. Hành vi như thế nào bị xem là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm tuỳ thuộc vào đối tượng bị xúc phạm cũng như người phạm tội. Chẳng hạn, cũng với hành vi ném quần lót vào mặt thì đối với một tên ghiền ma tuý có thể không được coi là xúc phạm nghiêm trọng, nhưng đối với một trí thức thì đó lại là sự xúc phạm nghiêm trọng. Tất cả những hành vi đó phải chưa đến mức cấu thành các tội phạm khác (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, cố ý gây thương tích...). Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nói trên một cách nghiêm trọng.
- Chủ quan: là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Người phạm tội biết được việc làm của mình là bêu xấu người khác nhằm thỏa mãn cơn tức giận đối với nạn nhân hoặc đối với người thân của nạn nhân. Người phạm tội mong muốn hoặc để mặc hậu quả xấu v ề danh dự, nhân phẩm của nạn nhân xảy ra. Nếu người phạm tội còn có mục đích khác (thỏa mãn dục vọng, chiếm đoạt tài sản...) thì tuỳ trường hợp sẽ xét xử người phạm tội theo các tội danh tương ứng.
- Chủ thể: người có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể chịu trách nhiệm hình sự theo điều luật này vì đây là tội phạm ít nghiêm trọng.
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
- Khung 1: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của một người, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
- Khung 2: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
@ Phạm tội nhiều lần.
Trường hợp này, người phạm tội đã nhiều lần có hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm đối với một người, mỗi lần đều phải “xúc phạm nghiêm trọng” (đã cấu thành tội phạm).
@Đối với nhiều người.
Để áp dụng tình tiết này, chúng ta cần xác định người phạm tội đã có hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của từ hai người trở lên. Có thể hành vi “xúc phạm nghiêm trọng” danh dự, nhân phẩm xảy ra đối với nhiều người, nhưng cũng có thể hành vi “xúc phạm nghiêm trọng” danh dự, nhân phẩm chỉ xảy ra đối với một người, và đối với những người khác, người phạm tội đã có hành vi “xúc phạm” nhưng chưa đến mức “nghiêm trọng”.
@ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Đây là trường hợp người phạm tội dựa vào chức vụ, quyền hạn của mình để xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác. Nếu không có chức vụ, quyền hạn đó thì người phạm tội không thể phạm tội được. Cần xác định rõ người phạm tội thông qua chức vụ, quyền hạn của mình để phạm tội. Nếu người phạm tội có chức vụ, quyền hạn nhưng hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác hoàn toàn không liên quan đến chức vụ, quyền hạn thì không áp dụng tình tiết này.
@ Đối với người thi hành công vụ.
Tình tiết này bao gồm cả người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ. Chỉ cần xác định nạn nhân là người người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ thì có thể áp dụng tình tiết này, không kể hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm có liên quan đến công vụ đó hay không.
@ Đối với người dạy dỗ, chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Chúng tôi trên mạng xã hội