Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 04:34
a. Định nghĩa: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối.
 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm đến quan hệ sở hữu về tài sản. Ngoài ra, nó còn tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội. Đối  tượng của tội phạm này là tài sản.
- Khách quan:
Người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối là mọi biện pháp thể hiện sai nội dung sự thật, khiến cho người quản lý tài sản tin nhầm nên đã giao tài sản cho người phạm tội (hoặc một người nào khác nhưng có liên quan trong tội phạm). Thủ đoạn gian dối phải được thực hiện trước khi người phạm tội nhận được tài sản (chiếm hữu hoặc sở hữu tài sản đó). Vì vậy, nếu thủ đoạn gian dối xuất hiện sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì chỉ có thể xác định đó là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm được tài sản hoặc che giấu tội phạm…Trong trường hợp ngay sau khi nhận được tài sản (tài sản vẫn còn quyền quản lý của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản), người phạm tội đã có hành vi lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản vĩnh viễn. Chẳng hạn, A đến cửa hàng điện máy hỏi mua chiếc TV. Chủ cửa hàng mang TV cho A xem, A đồng ý mua và ngồi ôm chiếc TV. Tuy nhiên, do A chưa trả tiền nên TV vẫn thuộc quyền quản lý của chủ cửa hàng. Khi đó, nếu A có dùng thủ đoạn gian dối để chiếm chiếc TV thì đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một trong hai đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, bên cạnh hành vi lừa dối, người phạm tội phải chiếm đoạt được tài sản. Có những trường hợp, người phạm tội dù có hành vi lừa dối chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhưng thủ đoạn gian dối đó chưa thể giúp người phạm tội chiếm đoạt được tài sản thì chưa thể xác định đó là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ, A vào tiệm vàng giả vờ hỏi mua nữ trang, làm cho chủ tiệm vàng mất tập trung để B lén lút lấy nữ trang. Đây là hành vi trộm cắp tài sản chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chỉ lấy tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm hoặc nếu tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng thì phải gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hay đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Tội phạm hoàn thành khi người quản lý tài sản tin nhầm vào sự gian dối mà giao tài sản, không kể diễn biến sau đó thế nào.
- Chủ quan: người phạm tội này với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích vụ lợi (nhằm chiếm đoạt tài sản) là dấu hiệu bắt buộc. Mục đích này phải có trước hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi lừa đảo nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi không cấu thành tội phạm này mà chỉ có thể cấu thành tội chiếm giữ tài sản trái phép hay chỉ là một quan hệ dân sự.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Tuy nhiên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 và 4 Điều này.
 c. Hình phạt chia làm 4 khung:
 
- Khung 1: lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị từ đủ 500.000 đồng trở lên hoặc nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị thấp hơn nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hay đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hành vi này, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
¾ Có tổ chức.
¾ Có tính chất chuyên nghiệp.
¾ Tái phạm nguy hiểm.
¾ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
Chỉ áp dụng tình tiết này khi người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để lừa đảo. Nếu chức vụ, quyền hạn không liên quan gì đến hành vi lừa đảo thì không áp dụng tình tiết này.
¾ Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
¾ Gây hậu quả nghiêm trọng.
- Khung 3: lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
¾ Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Khung 4: lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
¾ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Để xác định hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chúng ta có thể tham khảo nội dung phân tích tội cướp tài sản ở phần trước của bài này. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây