b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. Đối tượng của tội môi giới hối lộ cũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn.
- Khách quan: để hành vi cấu thành tội làm môi giới hối lộ đòi hỏi chủ thể có hành vi làm trung gian giữa người nhận và người đưa hối lộ.
Trong thực tế, người làm môi giới có thể chuyển yêu cầu về của hối lộ của người nhận
cho người đưa, đồng thời chuyển yêu cầu của người đưa hối lộ cho người nhận để người này
lợi dụng chức vụ quyền hạn làm một việc hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Người môi giới cũng có thể tổ chức cho người đưa và nhận hối lộ gặp nhau và đưa ra các yêu cầu của mình. Thủ đoạn môi giới cũng rất đa dạng, có thể là đe doạ, hạch sách người đưa hối lộ đồng thời khuyến khích, thúc đẩy người nhận hối lộ. Thủ đoạn môi giới không phải là dấu hiệu pháp lý bắt buộc trong mặt khách quan của tội này. Bản chất của hành vi mối giới là tạo điều kiện, giúp sức cho việc đưa và nhận hối lộ.
Khi xác định hành vi môi giới hối lộ cần phân biệt với hành vi đưa hối lộ trong trường hợp người đưa hối lộ không yêu cầu người nhận hối lộ làm một việc vì lợi ích của mình mà vì lợi ích của người thứ ba. Trường hợp môi giới hối lộ, mối quan hệ giữa người môi giới và người đưa hối lộ không chặt chẽ. Nếu là người đưa hối lộ nhưng yêu cầu người nhận hối lộ làm hoặc không làm vì lợi ích của người thứ ba (người thứ ba này có thể là đồng phạm tội đưa hối lộ hoặc là bất kỳ người nào mà người đưa hối lộ quan tâm), người đưa hối lộ và người được nhận lợi ích (người thứ ba) luôn có quan hệ với nhau (liên quan đến kinh tế, tình cảm, công tác…).
Ngoài ra, nếu một người làm môi giới hối lộ nhưng lợi ích từ việc làm của người nhận hối lộ
có liên quan đến người môi giới hối lộ thì phải xác định đó là hành vi đưa hối lộ chứ không phải môi
giới hối lộ.
Tội môi giới hối lộ hoàn thành từ thời điểm đạt được sự thỏa thuận giữa người đưa và người nhận hối lộ về giá trị tài sản hối lộ. Theo Điều 290, chỉ cấu thành tội môi giới hối lộ nếu của hối lộ có giá trị từ 500.000 đồng trở lên hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần.
- Chủ quan: lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp).
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
c. Hình phạt chia làm 4 khung:
- Khung 1: môi giới hối lộ không có các tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: môi giới hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức.
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
+ Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước.
Đây là một tình tiết thuộc ý thức chủ quan. Vì thế, chỉ khi người phạm tội biết được tài sản dùng để đưa hối lộ là tài sản Nhà nước thì mới áp dụng tình tiết này.
+ Phạm tội nhiều lần.
+ Của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
+ Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
- Khung 3: môi giới hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm:
+ Của hối lộ có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
+ Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Khung 4: môi giới hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+Của hối lộ có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.
+ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, người đưa hối lộ có thể bị phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần giá trị của hối lộ.
Khoản 6 Điều này còn bổ sung trường hợp người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Đây là một quy định nhằm khuyến khích việc tích cực đấu tranh phòng chống hành vi nhận hối lộ.
Chúng tôi trên mạng xã hội