b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm an ninh chính trị của đất nước.
- Khách quan:
Người phạm tội có một hoặc một số trong số các hành vi như kích động, lôi kéo, tụ tập đông người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc những hành vi đồng phạm khác phá rối an ninh (không thuộc nội dung Điều 82 Bộ luật hình sự). Điều luật quy định không rõ ràng, bởi vì khi tiếp cận mặt khách quan quy định trong Điều luật, chúng ta không biết có phải nhà làm luật yêu cầu tất cả các hành vi “phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của các cơ quan Nhà nước…” có cần phải là kết quả của sự “kích động, lôi kéo, tụ tập đông người” hay không. Theo chúng tôi, chỉ có hành vi “phá rối an ninh” mới cần dấu hiệu “đông người”, những hành vi còn lại có thể không cần. Như vậy, chúng ta phân tích theo hướng này.
+ Kích động, lôi kéo, tụ tập đông người phá rối an ninh: là bất kỳ những hành vi nào (mít-tinh, biểu tình, đưa đơn khiếu nại, yêu sách, không cho thu thuế, không cho giải toả, không cho xây dựng công trình…) làm cho chính quyền không thể ổn định được trật tự an ninh xã hội. Hành vi phá rối an ninh được thể hiện vô cùng đa dạng;
+ Chống người thi hành công vụ: bắt, tấn công, đe doạ, cưỡng bức…người thi hành công vụ…Hành vi này có thể được thực hiện bởi nhiều người hoặc một người;
+ Cản trở hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội trong việc thực hiện
chức năng của mình. Hành vi này có thể được thực hiện bởi nhiều người hoặc một người;
+ Tham gia phá rối an ninh là hành vi của những đồng phạm biết rõ là mình đang tụ tập với người khác để phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội mà vẫn tham gia.
Tội phạm được xem là hoàn thành khi chủ thể thực hiện một trong các hành vi nêu trong điều luật.
Nhìn chung, tội phạm này có mức độ nguy hiểm và quy mô hạn chế hơn so với tội bạo loạn. Đối với tội bạo loạn thì quy mô hoạt động lớn hơn và có vũ trang, nếu có cơ hội, những người phạm tội có thể cướp lấy chính quyền ở một hoặc một số địa phương.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Riêng đối với những đồng phạm thì có thể thực hiện hành vi với lỗi cố ý gián tiếp. Mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. Đối với những người đồng phạm, mục đích có thể được họ tiếp nhận một cách thụ động (nếu họ thực hiện tội phạm với lỗi cố ý gián tiếp). Nếu không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì có thể cấu thành tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245), hoặc chống người thi hành công vụ (Điều 257).
- Chủ thể: bất cứ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Đối với hành vi phạm tội tại khoản 2 Điều này, chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của nó.
Từ đầu năm 2000 được sự tiếp tay của các thế lực thù địch, bọn phản động Fulro lưu vong tại Mỹ mà đứng đầu là các tên Ksơn Kơk, Y Mut Mlô, đã móc nối, cấu kết với Y Nuen Byă, Y Rin Kpă, Y Nơk Molô Y Phen Ksơr, Nay D'rưc, Y Tum Mlô và Y B'hiết Nie Kdăm ở tỉnh Daklak để hình thành tổ chức phản động, mưu toan lập ra cái gọi là “nhà nước Đê ga độc lập” ở Tây Nguyên. Về tôn giáo, chúng chủ trương, lập “tin lành Đêga” để tách ra khỏi Hội thánh Tin lành Miền Nam.
Trong các ngày 2 và 3 tháng 2 năm 2001 bọn chúng đã tổ chức, chỉ đạo, xúi giục, lừa phỉnh và lôi kéo hàng ngàn người ở các huyện Ea Súp. Ea H'leo, Buôn Độn, Krông Năng, Krông Buk kéo về trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột để biểu tình, gây áp lực với chính quyền. Chúng đưa ra yêu sách đòi thành lập “Nhà nước Đê ga độc lập”. Hành vi của bọn chúng đã làm mất an ninh trật tự xã hội, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương khác.
Ngày 5 và 6 tháng 2 năm 2001, bọn chúng tiếp tục kéo về Huyện Ea H'leo biểu tình. Nhiều tên cầm đầu quá khích như: Nay D'rưc, Y Phen Ksơr.. đã đập phá trụ sở chính quyền và tài sản Nhà
nước, chống người thi hành công vụ, gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương trong nhiều ngày.
Hành vi của những tên cầm đầu, tổ chức, chỉ đạo, xúi giục, lừa phỉnh và lôi kéo nhân dân gây rối có thể được xem là cấu thành tội phá rối an ninh.
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
- Khung 1: kích động, lôi kéo, tụ tập đông người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
- Khung 2: phá rối an ninh với vai trò đồng phạm (không thuộc khoản 1), người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Chúng tôi trên mạng xã hội