Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 295 Bộ luật hình sự)

Thứ ba - 03/06/2014 03:03
a. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Xét xử và ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, gây mất lòng tin trong nhân dân đối với cơ quan “cầm cân công lý”. 
Đối tượng tác động của tội phạm này là bản án trái pháp luật. Bản án trái pháp luật ở đây bao gồm: bản án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động…của cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (kể cả các quyết định do toà án đưa ra trong quá trình xét xử).
- Khách quan:
Người phạm tội có hành vi ra bản án trái pháp luật. Bản án bị coi là trái pháp luật khi có nội dung (toàn bộ hoặc một phần) không mang tính khách quan, không tuân theo quy định của pháp luật (về cả nội dung lẫn hình thức), không dựa vào các tình tiết khách quan của vụ án mà dựa vào ý chí chủ quan của người ra bản án. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm bản án trái pháp luật được tuyên đọc hoặc được gửi cho những người tham gia tố tụng.
Trong Hội đồng xét xử có sự tham gia của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân (nghị án). Vì thế, nếu Hội đồng xét xử cùng thống nhất ra bản án trái pháp luật thì sẽ bị xem là đồng phạm (trong khi nghị án, các thành viên có quyền thể hiện ý kiến khác và được ghi vào biên bản nghị án). Thành viên nào không đồng ý thì không phạm tội.
Trường hợp Thẩm phán hay Hội thẩm nhân dân có hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án” để thuyết phục các thành viên khác trong Hội đồng ra bản án theo ý mình thì phải bị truy cứu về nhiều tội.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Chủ thể biết rõ bản án là trái pháp luật. Vì thế, nếu việc ra bản án sai là do căn cứ vào hồ sơ đã sai từ khâu điều tra (toà án không thể biết được) thì hành vi này không cấu thành tội phạm. Tương tự, trường hợp Thẩm phán lợi dụng sự non kém về trình độ nghiệp vụ của Hội thẩm, thuyết phục Hội thẩm đồng ý đưa ra bản án trái  pháp luật, nếu chứng minh được rằng Hội thẩm không biết điều đó thì Hội thẩm được xem là không phạm tội.
Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
- Chủ thể: chỉ có thể là Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân được phân công xét xử vụ án.
 
b. Hình phạt chia làm 3 khung:
 
- Khung 1: ra bản án trái pháp luật, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5
năm.
- Khung 2: ra bản án trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là do việc phân chia tài sản không hợp lý đã dẫn đến vụ án hình sự, có người bị kết án oan đã tự sát, người bị thiệt ại (do bản án sai) khiếu nại nhiều lần gây mất uy tín ngành toà án, gây căm phẫn trong nhân dân…
- Khung 3: ra bản án trái pháp luật gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Hậu quả rất nghiêm trọng có thể là làm cho từ 2-5 người bị kết án oan (hay bỏ sót tội phạm), thiệt hại về tài sản từ 300 - dưới 500 triệu đồng…; hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể là làm cho từ 5 người trở lên bị kết án oan (hay bỏ sót tội phạm), thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng trở lên…
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây