Tội sản xuất trái phép chất ma tuý (Điều 193 Bộ luật hình sự)

Thứ tư - 04/06/2014 05:00
a. Định nghĩa
 
Sản xuất trái phép chất ma tuý là hành vi chiết xuất chất ma tuý từ quả của cây thuốc phiện, cần sa, lá của cây cô-ca cũng như việc điều chế, pha chế từ tiền chất ma tuý thành chất ma tuý khác trái với quy định của Nhà nước.
 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm đến những quy định của Nhà nước về sản xuất các chất ma tuý. Đối tượng tác động của tội phạm này là các nguyên liệu có chứa chất ma tuý hoặc các tiền chất ma tuý.
- Khách quan: có hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào (chiết xuất, điều chế,..).
+ Chiết xuất: là hành vi chiết xuất quả thuốc phiện để lấy nhựa thuốc phiện, tách tinh
chất từ lá, tinh dầu cần sa để lấy nhựa cần sa, tách tinh dầu của cây cô- ca để lấy nhựa cần
sa…v.v…
+ Điều chế chất ma tuý là dùng phương pháp tạo phản ứng hoá học từ tiền chất ma tuý, các chất hoá học cần thiết để tạo ra chất ma tuý.
Sản xuất trái phép là sản xuất không được Nhà nước cho phép bằng quyết định cụ thể. Thường Nhà nước chỉ cấp phép cho các cơ sở sản xuất dược phẩm có thể sử dụng chất ma tuý để chế dược phẩm với một liều lượng hạn chế. Chất ma tuý nói tại điều này là nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, heroin, cocaine…(xem Thông tư liên tịch số 01 (02/01/1988) của TANDTC - VKSNDTC - BNV).
Đối với các hành vi nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng chất ma tuý đã có sẵn như pha chế
thuốc phiện thành dung dịch để tiêm chích, nghiền hêrôin từ bánh thành bột để hít… thì không coi là
hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý. Ngoài ra, cũng không coi là sản xuất chất ma tuý khi những
người mua bán trái phép chất ma tuý vì muốn kiếm lời nhiều mà đã có hành vi nghiền các bánh heroin
ra rồi sau đó trộn thêm phụ gia, paracetamon, panadol…để làm tăng trọng lượng heroin rồi đem bán.
 
Tội phạm hoàn thành khi có hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý mà không cần hậu quả. Nếu người phạm tội có hành vi sản xuất nhưng chưa tạo ra được chất ma tuý thì coi là tội phạm chưa hoàn thành.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ và mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, thông thường người phạm tội này vì động cơ vụ lợi.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
 
c. Hình phạt chia làm 4 khung:
 
- Khung 1: sản xuất trái phép chất ma tuý không có các tình tiết định khung tăng nặng nói tại khoản 2, 3, 4 Điều này, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
- Khung 2: sản xuất trái phép chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù 7 năm đến 15 năm:
+ Có tổ chức.
+ Phạm tội nhiều lần.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
+ Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, hoặc cao cô-ca có trọng lượng từ 500 gam đến dưới 1 kilogam.
+ Nhựa thuốc phiện (opium) là nhựa màu trắng được chiết xuất từ quả thuốc phiện, sau đó đem sấy khô, đóng bánh. Không coi là nhựa thuốc phiện để tính trọng lượng trong trường hợp đã được cô đặc rồi pha với nước.
+ Nhựa cần sa (cannabis resin) là nhựa chiết xuất từ cây cần sa (lá, thân, vỏ, hoa, quả), sau đó đem phơi khô, đóng bánh hoặc làm thành viên.
+ Cao cô-ca là một chất kem được chiết xuất từ lá cây cô-ca.
+ Heroin hoặc cocaine có trọng lượng từ 5 gam đến dưới 30 gam.
- Heroin là chất ma tuý được điều chế từ morphine, morphine thì được điều chế từ nhựa thuốc phiện.
- Cocaine là chất tự nhiên được chiết xuất từ lá cây cô-ca. Việc điều chế phải bằng phương pháp hoá học.
+ Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam.
Các chất ma tuý khác là các chất không phải nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, heroin, cocaine, không phải thể lỏng mà thể rắn.33
+ Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ 100 mililit đến dưới 250 mililit.
 
Đối với các chất ma tuý ở thể rắn được hoà thành dung dịch (như dung dịch thuốc phiện, dung dịch hêrôin dùng để tiêm, chích) hoặc chất ma tuý ở thể lỏng đã được pha loãng để tiện cho việc sử dụng thì không coi toàn bộ dung dịch này là chất ma tuý ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng moocphin trong dung dịch để tính trọng lượng của chất ma tuý đó.
 
Các chất ma tuý khác là các chất không phải nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, heroin, cocaine, không phải thể rắn mà thể lỏng.
+ Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý đã quy định trong khoản 2 Điều này.
 
 Theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (24/12/2007), tình tiết “có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ…” được xác định như sau:
- Trường hợp các chất ma tuý đó đều có trọng lượng dưới mức tối thiểu quy định tại khoản 2 (tức thuộc khoản 1) Điều 193 của BLHS, thì tổng trọng lượng của các chất ma tuý đó được xác định theo các bước sau đây:
+  Bước 1: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma tuý so với mức tối thiểu đối với từng chất ma tuý đó tại điểm tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 193.
+ Bước 2: Cộng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma tuý lại với nhau.
+ Bước 3: Xác định điểm, khoản, điều luật. Nếu tổng các tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma tuý dưới 100%, thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 193 của BLHS, nếu tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma tuý từ 100% trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung: “Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương ứng với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại khoản 2 Điều 193 của BLHS.
Ví dụ: Một người sản xuất hai trăm gam nhựa thuốc phiện và hai gam hêrôin (đều thuộc khoản 1 Điều 193 của BLHS). Tổng trọng lượng của các chất ma tuý được xác định như sau:
- Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa
thuốc phiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 193 của BLHS là 40% (hai trăm gam so với năm trăm
gam).
 
- Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm e khoản 2 Điều 193 của BLHS là 40% (hai gam so với năm gam).
- Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 40% + 40% = 80% (dưới 100%), cho nên người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 193 của BLHS.
b) Trường hợp các chất ma tuý đó đều được quy định trong cùng một điểm của khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 193 của BLHS thì cộng trọng lượng của các chất ma tuý đó lại với nhau và so sánh với quy định về trọng lượng trong điều luật tương ứng để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo khoản nào phù hợp của điều luật đó.
Ví dụ: một người sản xuất 300 gam nhựa thuốc phiện và 300 gam nhựa cần sa. Do nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa được quy định trong cùng điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 193 của BLHS, cho nên chỉ cần cộng trọng lượng nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa là 300g + 300g = 600g. Đối chiếu với quy định về trọng lượng trong Điều 193 của BLHS, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 193 của BLHS.
c) Trường hợp các chất ma tuý đó có trọng lượng tại các điểm khác nhau của cùng khoản 2
(khoản 3) Điều 193 của BLHS, thì tổng trọng lượng của các chất ma tuý đó được xác định theo các
bước sau đây:
+ Bước 1: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma tuý so với mức tối thiểu
đối với từng chất ma tuý đó tại điểm tương ứng quy định tại khoản 3 (khoản 4) Điều 193 của BLHS.
+ Bước 2: Cộng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma tuý lại với nhau.
+ Bước 3: Xác định điểm, khoản, điều luật. Nếu tổng các tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của
các chất ma tuý dưới 100%, thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2
(khoản 3) Điều 193 của BLHS; nếu tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma tuý từ 100%
trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung: “Có từ hai chất
ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương ứng với số lượng chất ma tuý quy định tại một
trong các điểm từ…” quy định tại điểm e khoản 3 (điểm đ khoản 4) Điều 193 của BLHS.
Ví dụ: Một người sản xuất sáu trăm gam nhựa thuốc phiện và chín gam hêrôin (đều thuộc khoản 2 Điều 193 của BLHS). Tổng trọng lượng của các chất ma tuý được xác định như sau:
- Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa
thuốc phiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 193 của BLHS là 60% (sáu trăm gam so với một
kilôgam).
- Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm c khoản 3 Điều 193 của BLHS là 30% (chín gam so với ba mươi gam).
- Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 60% + 30% = 90% (dưới 100%), cho nên người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm i khoản 2 Điều 193 của BLHS.
d) Trường hợp trong các chất ma tuý đó, có chất ma tuý có trọng lượng quy định tại khoản 1, có chất ma tuý có trọng lượng quy định tại khoản 2 (hoặc khoản 3), thì tổng trọng lượng của các chất ma tuý đó được xác định theo các bước sau đây:
+ Bước 1: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của chất ma tuý có trọng lượng nhiều nhất so với mức tối thiểu đối với chất ma tuý đó quy định tại khoản 3 (khoản 4) Điều 193 của BLHS theo nguyên tắc chất ma tuý có trọng lượng nhiều nhất thuộc khoản 2 thì so với mức tối thiểu đối với chất ma tuý đó quy định tại khoản 3; chất ma tuý có trọng lượng nhiều nhất thuộc khoản 3 thì so với mức tối thiểu đối với chất ma tuý đó quy định tại khoản 4.
+ Bước 2: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của chất ma tuý khác so với mức tối thiểu đối với chất ma tuý đó quy định tại khoản 3 (khoản 4) Điều 193 của BLHS theo nguyên tắc mức tối thiểu đối với chất ma tuý có trọng lượng nhiều nhất ở khoản nào thì mức tối thiểu của các chất ma tuý khác lấy ở khoản đó.
+ Bước 3: Cộng các tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma tuý lại với nhau và xác
định điểm, khoản, điều luật. Nếu tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma tuý là từ 100%
trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung: “Có từ 2 chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm e khoản 3 (điểm đ khoản 4) Điều 193 (khoản tương ứng của điều luật có quy định mức tối thiểu đối với chất ma tuý có trọng lượng nhiều nhất).
Ví dụ: Một người sản xuất bốn trăm gam nhựa thuốc phiện và hai mươi bốn gam hêrôin. Trong trường hợp này hêrôin có trọng lượng thuộc điểm e khoản 2 Điều 193 của BLHS, còn nhựa thuốc phiện có trọng lượng thuộc khoản 1 Điều 193 của BLHS; do đó, hêrôin có trọng lượng nhiều nhất. Tổng trọng lượng của các chất ma tuý được xác định như sau:
- Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm e khoản 3 Điều 193 của BLHS là 80% (hai mươi bốn gam so với ba mươi gam).
- Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa
thuốc phiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 193 của BLHS là 40% (bốn trăm gam so với một
kilôgam).
- Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 80% + 40% = 120% (thuộc trường hợp từ 100% trở lên), cho nên người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 3 Điều 193 của BLHS.
Ví dụ 2: Một người sản xuất bốn kilôgam nhựa thuốc phiện và hai mươi gam hêrôin. Trong trường hợp này nhựa thuốc phiện có trọng lượng thuộc điểm b khoản 3 Điều 193 của BLHS, còn hêrôin có trọng lượng thuộc điểm e khoản 2 Điều 193 của BLHS; do đó, nhựa thuốc phiện có trọng lượng nhiều nhất. Tổng trọng lượng của các chất ma tuý được xác định như sau:
- Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa
thuốc phiện quy định tại điểm a khoản 4 Điều 193 của BLHS là 80% (bốn kilôgam so với năm
kilôgam).
- Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm b khoản 4 Điều 193 của BLHS là 20% (hai mươi gam so với một trăm gam).
- Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 80% + 20% = 100% (thuộc trường hợp từ 100% trở lên), cho nên người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 4 Điều 193 của BLHS.
 + Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 3: sản xuất trái phép chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù 15 năm đến 20 năm:
+ Có tính chất chuyên nghiệp.
Theo Thông tư số 17/2007, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 là trường hợp người phạm tội có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý từ năm lần trở lên không phân biệt đã bị xét xử hay chưa bị xét xử, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;
- Người phạm tội lấy hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý làm nguồn sống chính.
+ Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, hoặc cao cô-ca có trọng lượng từ 1 kilogam đến dưới 5 kilogam.
+ Heroin hoặc cocaine có trọng lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam.
+ Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam.
 + Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ 250 mililit đến dưới 700 mililit.
+ Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý đã quy định trong khoản 3 Điều này (xem Thông tư liên tịch đã được phân tích ở trên).
+ Khung 4: sản xuất trái phép chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, hoặc cao cô-ca có trọng lượng từ 5 kilogam trở
lên.
+Heroin hoặc cocaine có trọng lượng từ 100 gam trở lên.
+ Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ 300 gam trở lên. ¾ Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ 700 mililit trở lên.
+ Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý đã quy định trong khoản 4 Điều này (xem Thông tư liên tịch đã được phân tích ở trên).
Ngoài ra, người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 500 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây