b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm đến những quy định của Nhà nước về tàng trữ, vận chuyển, mua bán các chất ma tuý. Đối tượng tác động của tội phạm này là các chất ma tuý. Ở nước ta, các chất ma tuý thường gặp là: thuốc phiện, heroin, morphine, cần sa, các dạng ma tuý tổng hợp (suzusen, dolagang, methamphetamin…).
- Khách quan:
Người phạm tội có một trong bốn hành vi sau:
+ Tàng trữ trái phép chất ma tuý là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma tuý ở bất cứ
nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất
dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma tuý. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này.
+ Vận chuyển trái phép chất ma tuý là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma tuý từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, máy bay, tàu thuỷ …; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thuỷ, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma tuý khác.
Điều luật không quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma tuý với số lượng là
bao nhiêu bao nhiêu thì cấu thành tội phạm. Theo Thông tư liên tịch số 17/2007, Người nào
tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý với số lượng sau đây không
nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma tuý khác thì áp dụng khoản 4 Điều 8
BLHS, theo đó không truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng dưới một gam;
b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng dưới không phẩy một gam;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng dưới một kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng dưới năm kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng dưới một kilôgam;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng dưới một gam;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ mười mililít trở xuống.
Tuy nhiên, người nào tàng trữ, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng được hướng dẫn tại các điểm từ a đến g trên đây, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
+ Đã bị xử lý vi phạm hành chính về một trong các hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý, tổ chức dùng chất ma tuý mà chưa qua thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính;
+ Đã bị kết án theo Điều 96a hoặc theo Điều 203 Bộ luật hình sự 1985, mà chưa được
xoá án.
+ Người tàng trữ, vận chuyển nhiều chất ma tuý, mà mỗi chất ma tuý có số lượng
được hướng dẫn tại các điểm từ a đến g trên đây cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma tuý với số lượng từ bằng đến lớn hơn số lượng hướng dẫn tại các điểm từ a đến g trên đây đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Mua bán trái phép chất ma tuý là một trong các hành vi sau đây:
a) Bán trái phép chất ma tuý cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma tuý do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma tuý cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác;
b) Mua chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác;
c) Xin chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác;
d) Dùng chất ma tuý nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma tuý do đâu mà có);
đ) Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma tuý nhằm bán lại trái phép cho người khác;
e) Tàng trữ chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác;
g) Vận chuyển chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác.
Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các
hành vi mua bán trái phép chất ma tuý được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g trên đây đều bị
truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý với vai trò đồng phạm.
+ Chiếm đoạt chất ma tuý là hành vi cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo,
lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt… chất ma tuý. Trường hợp người có hành vi chiếm đoạt
chất ma tuý nhằm mục đích bán lại chất ma tuý đó cho người khác, thì bị truy cứu trách
nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với hành vi đã thực hiện theo Điều 194 BLHS và chỉ
phải chịu một hình phạt. Tương tự, hành vi chiếm đoạt cũng không cần xác định số lượng là
bao nhiêu, nếu người phạm tội có hành vi chiếm đoạt chất ma tuý thì tội phạm coi như đã
hoàn thành.
Thực tiễn thường gặp một số trường hợp sau:
a) Người phạm tội chiếm đoạt và biết hoặc chấp nhận đối tượng chiếm đoạt là chất ma tuý thì sẽ định tội chiếm đoạt chất ma tuý.
b) Nếu người phạm tội không biết là mình chiếm đoạt chất ma tuý nhưng sau đó biết và đã có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán…thì xét xử theo các tội danh tương ứng. Hành vi chiếm đoạt chỉ xét xử về tội chiếm đoạt tài sản thông thường.
c) Nếu người phạm tội không biết là mình chiếm đoạt chất ma tuý và sau đó bị bắt ngay thì chỉ truy cứu về tội chiếm đoạt tài sản thông thường.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Riêng hành vi chiếm đoạt chất ma tuý, người phạm tội có thể phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp trong trường hợp chấp nhận chiếm đoạt dù đó là tài sản hay chất ma tuý.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
Thông tư liên tịch 17/2007 lưu ý: đối với những người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, vận
chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, chưa được xoá án tích mà lại tiếp tục tàng trữ, vận
chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt một trong các chất ma tuý có số lượng được hướng dẫn từ điểm a
đến điểm g trên đây, nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình
sự theo khoản 1 Điều 194 BLHS. Nếu là tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo
khoản 2 Điều 194 của BLHS.
Người nào bán trái phép chất ma tuý cho người khác và còn cho họ sử dụng địa điểm thuộc
quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình để sử dụng trái phép chất ma tuý thì ngoài việc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý theo Điều 194 BLHS, người đó còn
bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý theo Điều 198
BLHS;
Người nào biết người khác đi mua chất ma tuý để sử dụng trái phép mà gửi tiền nhờ mua hộ
chất ma tuý để sử dụng thì người nhờ mua hộ phải chịu trách nhiệm hình sự về số lượng chất ma tuý đã nhờ mua hộ. Người đi mua phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma tuý đã mua cho bản thân và mua hộ.
Người nào biết người khác mua chất ma tuý để sử dụng trái phép mà dùng phương tiện để chở họ cùng chất ma tuý và bị bắt giữ nếu số lượng chất ma tuý đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý thì người đó là đồng phạm với người mua về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 194 BLHS.
Người nào tàng trữ trái phép, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý có số lượng
được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g trên đây mà không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái
phép chất ma tuý khác, nhưng chứng minh được là nhằm mục đích sử dụng trái phép chất ma tuý, tuy
đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt
buộc thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý theo Điều 199 của
BLHS.
c. Hình phạt chia làm 4 khung:
- Khung 1: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý không có các tình tiết định khung tại khoản 2, 3, 4 Điều này, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
- Khung 2: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý
thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
+ Có tổ chức.
+ Phạm tội nhiều lần.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
+ Vận chuyển, mua bán qua biên giới.
Vận chuyển, mua bán chất ma tuý qua biên giới bao gồm hành vi vận chuyển chất ma tuý qua biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng Việt Nam, biên giới của một nước khác với nước thứ ba. Đây là hai hành vi khác nhau (vận chuyển, mua bán), vì thế chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong hai hành vi thì có thể áp dụng tình tiết này. Chỉ áp dụng tình tiết này trong trường hợp thực tế người phạm tội đã vận chuyển, mua bán chất ma tuý qua biên giới. Nếu người phạm tội có mục đích vận chuyển, mua bán qua biên giới nhưng chưa thực hiện được thì không áp dụng tình tiết này.
+ Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em.
Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội là dụ dỗ, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo…trẻ em dưới
16 tuổi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý. Bán chất ma
tuý cho trẻ em là bán chất ma tuý mà mình có được (không kể nguồn gốc) cho trẻ em dưới
16 tuổi.
+ Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, hoặc cao cô-ca có trọng lượng từ 500 gam đến dưới 1 kilogam.
+ Heroin hoặc cocaine có trọng lượng từ 5 gam đến dưới 30 gam.
+ Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây cô-ca có trọng lượng từ 10 khilogam đến dưới 25 kilogam.
+ Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ 50 kilogam đến dưới 200 kilogam.
Quả thuốc phiện sau khi được thu hoạch lấy nhựa, còn lại khô trên cây. Hàm lượng morphine của quả khô không nhiều bằng quả thuốc phiện tươi. Vì thế, số lượng quả thuốc phiện khô được quy định trong khoản này tương đối lớn hơn so với số lượng quả thuốc phiện tươi tương ứng.
+ Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ 10 kilogam đến dưới 50 kilogam.
+ Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam.
+ Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ 100 mililit đến dưới 250 mililit.
+ Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý đã quy định trong khoản 2 Điều này.
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 3: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý
thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
+ Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, hoặc cao cô-ca có trọng lượng từ 1 kilogam đến dưới 5 kilogam.
+ Heroin hoặc cocain có trọng lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam.
+ Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây cô-ca có trọng lượng từ 25 khilogam đến dưới 75 kilogam.
+ Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ 200 kilogam đến dưới 600 kilogam.
+ Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ 50 kilogam đến dưới 100 kilogam.
+ Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam.
+ Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ 250 mililit đến dưới 750 mililit.
+ Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý đã quy định trong khoản 3 Điều này.
- Khung 4: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, hoặc cao cô-ca có trọng lượng 5 kilogam trở lên. ¾ Heroin hoặc cocain có trọng lượng từ 100 gam trở lên.
+ Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây cô-ca có trọng lượng từ 75 kilogam trở lên. ¾ Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ 600 kilogam trở lên.
+ Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ 100 kilogam trở lên.
+ Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ 300 gam trở lên.
+ Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ 750 mililit trở lên.
+ Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý đã quy định trong khoản 4 Điều này.
Về tình tiết “Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý đã quy định trong khoản 2, 3, 4 Điều này” chúng ta có thể tham khảo Thông tư liên tịch 17/2007 (đã phân tích tại Điều 193).
Ngoài ra, người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 500 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Chúng tôi trên mạng xã hội