Tội tha trái pháp luật người đang bị giam, giữ (Điều 302 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 05:15
a.  Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, đồng thời gây mất an ninh trật tự xã hội.
Đối tượng tác động của tội phạm này là người đang bị giam, giữ. 
Người đang bị giam bao gồm người đang bị tạm giam để điều tra, đang chấp hành hình phạt tù, đang tạm giam để chờ ngày thi hành án tội phạm. Người đang bị giữ là người đang bị giữ sau khi bắt (người phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã). Người đang bị giữ được tính từ lúc người này bị bắt cho đến trước khi họ có quyết định tạm giam.
- Khách quan:
Hành vi khách quan của tội phạm này thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền ra lệnh tha hoặc tự mình tha trái pháp luật người đang bị giam, giữ. Tha trái pháp luật là tha người đang bị giam, giữ không đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự (về người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền, thủ tục, điều kiện tha người…). Hành vi “tha” thể hiện bằng việc ra quyết định “trả tự do” cho người đang bị giam, giữ. Quyết định này có thể được thực hiện bởi người có thẩm quyền ra quyết định (nhưng không đúng pháp luật) hoặc bởi người không có thẩm quyền quyết định việc tha đó. Việc tha này có thể được thực hiện khi người bị giam, giữ đang ở trong trại hoặc đang bị dẫn giải, lao động. Vì vậy, có thể việc tha thể hiện ở việc để cho người đang bị dẫn giải bỏ trốn mà không cần có quyết định bằng văn bản.
Trong thực tiễn, hành vi tha người trái pháp luật thường biểu hiện qua hành vi thay đổi biện pháp ngăn chặn khác thay cho biện pháp tạm giam, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thi hành hình phạt tù không đúng pháp luật (không có căn cứ).
Tội phạm hoàn thành khi người bị giam, giữ thoát khỏi sự quản lý của người quản lý, canh gác, dẫn giải, bất kể sau đó có gây ra hậu quả gì không.
- Chủ quan: lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu định tội nhưng có ý nghĩa khi xem xét khi quyết định hình phạt.
- Chủ thể: người có chức vụ, quyền hạn, có hai loại:
+ Người có thẩm quyền tha (lợi dụng chức vụ, quyền hạn): Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán.
+ Người không có thẩm quyền tha (lạm dụng chức vụ, quyền hạn): Giám thị, Phó Giám thị trại giam, trại cải tạo, trại tạm giữ, nhân viên trại giam, trại cải tạo, trại tạm giữ, người đang dẫn giải, canh gác…
 
b. Hình phạt:
 
- Khung 1: tha trái pháp luật người đang bị giam, giữ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Khung 2: phạm tội tha trái pháp luật người đang bị giam, giữ về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
- Khung 3: phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ  nhất định từ một năm đến năm năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây