Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước (Điều 144 Bộ luật hình sự)
Thứ hai - 02/06/2014 04:53
a. Định nghĩa: Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước là hành vi không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước do mình trực tiếp quản lý.
b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quan hệ sở hữu Nhà nước về tài sản. Đối tượng của tội phạm này là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước bị thiệt hại do sự thiếu trách nhiệm của người phạm tội.
- Khách quan:
Người phạm tội có hành vi thiếu trách nhiệm để mất mát, hư hỏng, lãng phí làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước. Thiếu trách nhiệm thường được biểu hiện ở các hành vi vi phạm các nguyên tắc, chế độ, chính sách liên quan đến quản lý tài sản, như: chế độ quản lý vật tư, kho tàng, thiết bị, phòng cháy, chữa cháy…v.v…Hành vi này có thể thông qua không làm hoặc làm không hết trách nhiệm của mình mới gây ra thiệt hại cho Nhà nước.
Nếu đã làm hết trách nhiệm mà hậu quả thiệt hại vẫn xảy ra thì không cấu thành tội phạm.
Tài sản ở đây là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước (không phải sở hữu tập thể (các doanh nghiệp, công ty…), tư nhân).
Chỉ gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước mà giá trị thiệt hại từ 50.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành khi hành vi đã gây ra hậu quả (ít nhất hậu quả thiệt hại có giá trị 50.000.000 đồng).
- Chủ quan: là lỗi vô ý (quá tự tin hay do cẩu thả). Nếu là cố ý thì cấu thành tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143). Nếu vì rủi ro (không có lỗi của người quản lý) mà gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước thì không cấu thành tội phạm.
- Chủ thể: là chủ thể đặc biệt - người có trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý tài sản Nhà nước và thiệt hại phải đối với tài sản mà người phạm tội đang trực tiếp quản lý. Các đồng phạm khác không cần dấu hiệu chủ thể đặc biệt này. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều này.
c. Hình phạt chia làm 3 khung:
- Khung 1: gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù tù 6 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, người phạm tội có thể bị phạt tù tù 2 năm đến 7 năm.
- Khung 3: gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tù tù 7 năm đến 10 năm.
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước từ 1 năm đến 5 năm.
Chúng tôi trên mạng xã hội