Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 Bộ luật hình sự)
Thứ hai - 02/06/2014 05:22
a. Định nghĩa: Vi phạm chế độ một vợ, một chồng là hành vi của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có
vợ.
b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: hành vi phạm tội xâm phạm đến chế độ một vợ một chồng - một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình là nguyên tắc một vợ, một chồng.
Đối tượng của tội phạm này chính là hành vi của người phạm tội. Người phạm tội tự tác động vào hành vi của mình, khiến cho hành vi của mình làm trái nguyên tắc của Luật hôn nhân và gia đình.
- Khách quan:
Người phạm tội có các hành vi sau:
+ Đang có vợ hoặc có chồng mà có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.
Đang có vợ hoặc có chồng được hiểu là người đã kết hôn (có đăng ký kết hôn hoặc hôn nhân thực tế được pháp luật công nhận25) và chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng một quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án (về công nhận thuận tình ly hôn, xử cho ly hôn hay tiêu hôn vì vi phạm điều kiện kết hôn do luật định) hoặc một bên chết, mất tích đã bị Toà án tuyên bố mất tích...
+ Người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.
Người chưa có vợ, có chồng là người chưa từng kết hôn hoặc đã kết hôn nhưng đã chấm dứt hôn nhân. Chỉ khi người chưa có vợ, có chồng biết được người mình chung sống là người đang có vợ, có chồng thì mới được xem là hành vi khách quan của tội phạm này.
Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó... Nếu chỉ lén lút quan hệ tình dục theo cái gọi là “ngoại tình” thì không phải chung sống như vợ chồng.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện các hành vi trên gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Hậu quả nghiêm trọng có thể là từ việc vi phạm này mà người vợ hoặc chồng hợp pháp phải bỏ việc,
tốn kém tiền để hàn gắn quan hệ, uất ức mà sinh bệnh tật, tự sát, phạm tội, con cái bơ vơ, đi “bụi”…v.v…
Thực tiễn thường coi những trường hợp mà hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng gây ra những hậu quả sau là hậu quả nghiêm trọng (không phải do người phạm tội trực hoặc gián tiếp gây ra cho nạn nhân):
¾ Gây chết người;
¾ Thương tích, tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ từ 21% trở lên; ¾ Thiệt hại tài sản từ 50 triệu đồng trở lên;
¾ Gây dư luận xấu, ảnh hưởng xấu đến mặt văn hoá, xã hội…v.v…
- Chủ quan: tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Người phạm tội mong muốn sống với người đang có vợ, có chồng như vợ chồng hoặc mặc nhiên chấp nhận thực tế đó. Hoặc, đang có vợ, có chồng mà mong muốn hoặc mặc nhiên sống với người khác như vợ chồng.
- Chủ thể: là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định. Có một điểm lưu ý là chủ thể tội phạm này nhiều trường hợp đòi hỏi phải là người đang có vợ, có chồng. Đây là tội ít nghiêm trọng, cho nên người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
- Khung 1: vi phạm chế độ một vợ, một chồng không thuộc khoản 2, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
- Khung 2: vi phạm chế độ một vợ, một chồng trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Chúng tôi trên mạng xã hội