Tội vi phạm quy định về điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 Bộ luật hình sự)

Thứ tư - 04/06/2014 03:45
a. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đối tượng của tội phạm này là phương tiện giao thông đường bộ, như: xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy, xe tải, xe ô tô…v.v…
- Khách quan: 
Người phạm tội có hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Để xác định hành vi nào vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chúng ta cần đối chiếu với các quy định hiện hành về giao thông đường bộ, bao gồm Luật giao thông đường bộ hiện hành và các văn bản có liên quan (các Nghị định về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ).
Cần lưu ý, hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chỉ cấu thành tội phạm khi gây thiệt hại cho tính mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.
Theo Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP (17/4/2003) hướng dẫn áp dụng một số quy
định của Bộ luật hình sự 1999, Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi
phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây
thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác
thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều
202 Bộ luật hình sự:
+ Làm chết một người;
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và
còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu
đồng.
Lưu ý:
+ Đối với thiệt hại về sức khoẻ, chỉ tính những thiệt hại về sức khoẻ cho người khác, không tính thiệt hại về sức khoẻ cho chính mình.
+ Đối với những thiệt hại về tài sản chỉ tính những thiệt hại về tài sản do người phạm tội trực tiếp gây ra, không tính những thiệt hại gián tiếp (do phải chữa trị).
- Chủ quan: người phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với lỗi vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự.
 
b. Hình phạt chia làm 4 khung:
 
- Khung 1 (cơ bản): người phạm tội gây thiệt hại cho tính mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
- Khung 2: phạm tội thuộc các trường hợp sau đây, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
+ Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định.
Không có giấy phép hoặc bằng lái là trường hợp không có giấy phép hoặc bằng lái đối với phương tiện giao thông mà theo pháp luật phải có giấy phép hoặc bằng lái hoặc có nhưng không phải đối với loại phương tiện đó. Ví dụ, có giấy phép lái A1 (được phép điều khiển xe gắn máy từ 175cm3 trở lại) mà đang điều khiển xe mô tô 250cm3. Ngoài ra, cũng coi là không có giấy phép lái xe đối với người đã có giấy phép lái xe nhưng đã bị tước (phạt vi phạm hành chính) mà chưa được cấp lại.
Không coi là không có giấy phép lái xe đối với người bị mất giấy phép lái xe đã được xác nhận và chờ ngày cấp giấy phép mới hoặc đang bị cảnh sát giao thông tạm giữ để chờ ngày giải quyết vi phạm (chưa có quyết định tước giấy phép).
+ Trong khi say rượu hoặc say do dùng chất kích thích mạnh khác.
Đây là một tình tiết rất khó áp dụng vì không có văn bản hướng dẫn nồng độ rượu trong máu hoặc khí thở bao nhiêu thì được coi là điều khiển phương tiện trong khi say. Trên thực tế cũng khó để quy định cụ thể nồng độ này vì mức độ “say” ở mỗi người là khác nhau. Vì thế, để áp dụng tình tiết này, cần có cơ sở thực tế rằng người phạm tội điều khiển phương tiện đang trong tình trạng say, có người làm chứng xác nhận.
+ Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người
bị nạn.
+  Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn  giao thông.
+ Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Theo Nghị quyết số 02/2003/NQ, phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là gây hậu quả rất nghiêm trọng và phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự:
+ Làm chết hai người;
+ Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm của hậu quả nghiêm trọng;
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%;
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm của hậu quả nghiêm trọng;
+ Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.
- Khung 3: phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Theo Nghị quyết 02/2003/NQ, phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự:
+ Làm chết ba người trở lên;
+ Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm của hậu quả nghiêm trọng;
+ Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm của hậu quả rất nghiêm trọng;
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
 + Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản được hướng dẫn tại điểm của hậu quả rất nghiêm trọng;
+ Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.
- Khung 4 (cơ bản): vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Ví dụ, một tài xế xe khách loại 20 chỗ, do không quan sát nên đã điều khiển xe rớt xuống sông. Tất cả hành khách đều được vớt lên nên không ai chết hoặc bị thương.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây