b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: Xâm phạm tính mạng của con người một cách gián tiếp.
- Mặt khách quan:
+ Người phạm tội có hành vi vi phạm các quy tắc an toàn nhằm đảm bảo cho tính mạng, sức khoẻ của con người. Những quy tắc đó thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể được quy phạm hoá hoặc có thể chỉ là các quy tắc xử sự thông thường, đã trở thành tập quán sinh hoạt, mọi người đều biết và thừa nhận.
+ Hành vi vi phạm các quy tắc an toàn thuộc một số lĩnh vực cụ thể đã được quy định ở một số điều luật riêng, nên không còn là hành vi khách quan của tội vô ý làm chết người mà là hành vi khách quan của những tội phạm khác (chẳng hạn, tội phạm được quy định tại Điều 99 Bộ luật này).
+ Hậu quả:
Hành vi vi phạm các quy tắc an toàn nhằm đảm bảo cho tính mạng sức khoẻ của con người phải đã gây ra hậu quả chết người. Hậu quả này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
+ Quan hệ nhân quả:
Quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra là điều kiện bắt buộc của cấu thành tội phạm. Một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả chết người đã xảy ra nếu hành vi vi phạm của họ đã gây ra hậu quả này.
- Mặt chủ quan:
Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý: có thể là lỗi vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.
Trong trường hợp vô ý do quá tự tin, người phạm tội nhận thức hành vi vi phạm của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng đã quá tự tin là hậu quả đó sẽ không xảy ra, nhưng thực tế là hậu quả đó đã xảy ra.
Trong trường hợp vô ý vì cẩu thả, người phạm tội không thấy trước hậu quả chết người mà hành vi của mình gây ra, mặc dù trong trường hợp cụ thể đó của mình họ phải thấy trước và có đủ điều kiện thấy trước hậu quả chết người xảy ra.
Trên thực tế, chưa từng xảy ra trường hợp lỗi của người phạm tội đối với hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ là vô ý (vì quá tự tin hoặc do cẩu thả) nhưng đối với hậu quả chết người thì người phạm tội không có lỗi (sự kiện bất ngờ). Tuy nhiên, nếu xảy ra trường hợp này, theo chúng tôi, người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi vì trên thực tế, nạn nhân đã chết, chúng ta không biết tỷ lệ thương tật là bao nhiêu và cũng không xác định được khi thực hiện hành vi, người phạm tội có thể nhận thức được hoặc bị buộc phải nhận thức hậu quả đó không.
- Chủ thể:
Là người bất kỳ, có năng lực trách nhiệm hình sự do luật định. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều này.
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
- Làm chết một người: người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
- Làm chết nhiều người: người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Chúng tôi trên mạng xã hội