Tội vu khống (Điều 122 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 03:35
a. Định nghĩa: Vu khống là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người khác, hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.
- Khách quan:
Người phạm tội có một trong các hành vi sau:
+ Bịa đặt những điều không có thật. Những điều không có thật rất đa dạng miễn sao nó không phải là sự thật khách quan.
+ Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt. Hành vi này có thể được thực hiện thông qua việc sao chép gửi cho người khác, kể lại cho người khác nghe, đăng tin trên báo chí, internet, gửi tin nhắn qua điện thoại di động...
- Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc bịa đặt là người khác phạm tội bất kể là tội gì được quy định trong Bộ luật hình sự.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong các hành vi nói trên nhằm xúc phạm danh dự, hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (không cần biết danh dự, hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có bị xâm hại hay chưa).
- Chủ quan:
Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Khi thực hiện hành vi, người phạm tội biết rõ những tin mà mình đặt ra, loan truyền hoặc đi tố cáo là không có thật mà vẫn thực hiện. Nếu khi loan truyền hoặc tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là người khác phạm tội mà mình không biết là không có thật thì không cấu thành tội phạm.
Về mục đích, đối với hành vi “bịa đặt những điều không có thật” và “loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt” đòi hỏi phải có mục đích “xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp” của người khác. Đối với hành vi “bịa ra chuyện người bị hại phạm tội và đi tố cáo với cơ quan Nhà nước” không cần mục đích.
- Chủ thể: người có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể chịu trách nhiệm hình sự theo điều luật này vì đây là tội phạm có khung hình phạt cao nhất cũng chỉ đến nghiêm trọng.
 
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
 
- Khung 1: vu khống một người, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
 - Khung 2: vu khống thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm:
@ Có tổ chức.
@Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
@Đối với nhiều người.
@Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình.
@Đối với người thi hành công vụ.
@Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. 
 Tags: toi vu khong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây