Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ (Điều 130 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 03:59
a. Định nghĩa: Xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ là hành vi dùng vũ lực hoặc hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội.
 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới đã được xác định trong Hiến pháp (Điều 52, 54…). Ngoài ra, quyền bình đẳng của phụ nữ đối với nam giới còn được xác định và bảo vệ trong Luật bình đẳng giới.
Đối tượng tác động của tội phạm này là hành vi của người phụ nữ (hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội…).
- Khách quan:
Người phạm tội có hành vi cản trở không cho phụ nữ tham gia các hoạt động mà pháp luật quy định họ có thể tham gia (đi học, làm việc, đi công tác…) hoặc các hành vi khác (đối xử không bình đẳng: cùng công việc mà trả lương thấp hơn nam, không nhận nữ vào làm việc…). Việc cản trở có thể thực hiện bằng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác (doạ nạt, hành hạ, ngược đãi…) buộc phụ nữ không được hoặc thôi tham gia các hoạt động mà pháp luật quy định họ có thể tham gia. Người phạm tội có thể do quan hệ chủ thợ, huyết thống, hôn nhân, tôn giáo…
Hậu quả của hành vi phạm tội này là những hậu quả về tinh thần hoặc vật chất. Tuy nhiên, những thiệt hại về sức khoẻ nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải truy cứu tội tương ứng . Chẳng hạn vì ngăn chặn vợ mình tham gia văn nghệ nên đã đánh gây thương tích tỷ lệ trên 11%, phải bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong các hành vi kể trên, không cần xảy ra hậu quả.
- Chủ quan: là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Mục đích, động cơ không là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội phạm này.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Thực tế, họ là người có quan hệ nhất định đối với người phụ nữ nhưng không phải là quan hệ họ hàng (chủ, cấp trên…). Vì đây là tội ít nghiêm trọng nên chỉ có người từ đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự theo Điều này.
 
Hành vi phạm tội này có thể tương tự với hành vi hành hạ người khác (Điều 110). Tuy nhiên, ở tội phạm này, người bị hại không lệ thuộc vào người phạm tội. Nếu có quan hệ lệ thuộc, dù người phạm tội có hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ cũng bị xử về tội hành hạ người khác. Bên cạnh đó, nếu người phạm tội có quan hệ họ hàng với người bị hại (cha, mẹ -  con, ông, bà - cháu, vợ -  chồng, người có công nuôi dưỡng - người được nuôi dưỡng) thì phải xác định tội ngược đãi …(Điều 151).
c. Hình phạt:
 
Người phạm tội này có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây