b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Tội phạm này tác động đến đối tượng là hành vi của người có quyền khiếu nại, tố cáo, khiến cho những người này không thực hiện được các quyền khiếu nại, tố cáo theo luật định.
- Khách quan:
Người phạm tội có một trong các hành vi sau:
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét, giải quyết hoặc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo. Đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn làm cản trở quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Để làm rõ hành vi phạm tội này chúng ta cần tìm hiểu những khái niệm: khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý người bị khiếu nại, tố cáo. Những khái niệm này được quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành.
+ Không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo, gây thiệt hại cho người tố cáo. Đây là hành vi của người có thẩm quyền cấp dưới cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấp trên trong việc xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Khi xem xét hành vi phạm tội này cần xác định hậu quả do hành vi gây ra xem đã đến mức cần truy cứu trách nhiệm hình sự chưa. Điều luật không quy định hậu quả bao nhiêu là tội phạm hoàn thành, cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn. Vì thế, khi xem xét, chúng ta cần đánh giá trong từng trường hợp cụ thể. Dù không xác định cụ thể hậu quả nhưng đây là dấu hiệu bắt buộc của hành vi này (điểm b khoản 1). Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà có quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự hay không cho chính xác.
- Chủ quan: là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Động cơ không là dấu hiệu bắt buộc. Cho nên, nếu vì nhận của cải vật chất mà phạm tội này thì phải xử thêm tội nhận hối lộ.
- Chủ thể:
+ Đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo thì chủ thể là cán bộ, nhân viên Nhà nước, tổ chức xã hội (người được giao nhiệm vụ nhận, chuyển, giải quyết các khiếu nại, tố cáo).
+ Đối với hành vi không chấp hành quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo thì chủ thể có thể là người đã có hành vi sai trái dẫn đến khiếu nại, tố cáo hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có hành vi sai trái (do nhân viên làm sai).
+ Đối với hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo thì chủ thể là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định (thông thường là người bị khiếu nại, tố cáo hoặc người thân của họ).
c. Hình phạt chia làm 2 khung:
- Khung 1: xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo là các hành vi thuộc điểm a, b khoản 1, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: trả thù người khiếu nại, tố cáo, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Trả thù người khiếu nại, tố cáo có thể là hành vi của người có chức vụ quyền hạn hoặc bất kỳ người nào khác có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo. Cần phải xác định rõ là hành vi trả thù có mối quan hệ nhân quả với việc khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, nếu hành vi trả thù lại cấu thành tội phạm độc lập thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội phạm tương ứng. Chẳng hạn, vì trả thù A đã khiếu tố cáo mình có hành vi sai phạm, B đã thuê C chém A gây thương tích với tỷ lệ thương tật 14%. Như vậy, ngoài việc bị truy cứu về tội xâm phạm quyền tố cáo, B còn bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích (Điều 104).
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Chúng tôi trên mạng xã hội