Giải quyết tranh chấp lao động

Thứ sáu - 04/07/2014 23:11
Tranh chấp lao động là hiện tượng kinh tế- xã hội tất yếu trong đời sống lao động của bất kỳ quốc gia nào. Điều này xuất phát chủ yếu từ sự khác nhau về lợi ích của hai bên chủ thể tham gia lao động. Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ lao động chủ yếu được xác lập qua hình thức hợp đồng lao động trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng. Tuy nhiên, trong quá trình lao động, người lao động luôn có xu hướng muốn tăng lương, giảm giờ làm, được làm việc trong môi trường tốt hơn,...; còn người sử dụng lao động có xu hướng tăng cường độ, thời gian làm việc, giảm chi phí nhân công,... Đó là những lợi ích trái chiều nếu không thể dung hòa tất yếu dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng và tranh chấp là điều khó tránh khỏi.
I. Những quy định chung về tranh chấp lao động
1. Định nghĩa và phân loại tranh chấp lao động (Điều 3 Bộ luật Lao động)
- Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động.
- Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động  với người sử dụng lao động (về quyền và về lợi ích).
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác.
- Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.
2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
Theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Lao động thì việc giải quyết tranh chấp lao động phải bảo đảm những nguyên tắc sau:
- Tôn trọng, bảo đảm để các bên tự thương lượng, quyết định trong giải quyết tranh chấp lao động.
- Bảo đảm thực hiện hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
- Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
- Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
- Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.
- Việc giải quyết tranh chấp lao động
do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi một trong hai bên có đơn yêu cầu do một trong hai bên từ chối thương lượng, thương lượng nhưng không thành hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện.
Lưu ý: trong thời hạn tranh chấp lao động đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiến hành giải quyết thì không bên nào được hành động đơn phương chống lại bên kia.
3. Quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong giải quyết tranh chấp lao động
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 196
Bộ luật Lao động, trong giải quyết tranh chấp lao động, hai bên có quyền sau đây:
- Trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết;
- Rút đơn hoặc thay đổi nội dung yêu cầu;
- Yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lý do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 196
Bộ luật Lao động, trong giải quyết tranh chấp lao động, hai bên có nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu,
chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình;
- Chấp hành thỏa thuận đã đạt được, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
II. Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
1. Thẩm quyền giải quyết
Theo quy định tại Điều 200 Bộ luật
Lao động thì cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là:
- Hòa giải viên lao động;
- Tòa án nhân dân.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết
Theo quy định của Điều 201, Điều 202
Bộ luật Lao động thì trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau:
- Phát sinh tranh chấp, thương lượng không thành và có nhu cầu giải quyết
- Hòa giải viên lao động
- Tòa án
a) Bước 1: Các bên tự thương lượng hoặc thương lượng với sự hỗ trợ của bên thứ ba (thủ tục không có tính chất bắt buộc)
- Mặc dù đây không là một thủ tục bắt buộc song thương lượng được coi là nguyên tắc chung xuyên suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Các bên luôn có quyền thương lượng, thỏa thuận để giải quyết tranh chấp lao động của mình.
- Nếu thương lượng thành, các bên phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện kết quả thương lượng (cần lập biên bản ghi nhận kết quả thương lượng).
- Trong trường hợp các bên không tiến hành thương lượng hoặc tiến hành thương lượng nhưng không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện nghiêm chỉnh kết quả thương lượng thành thì bước tiếp theo chia làm 2 trường hợp:
- Trường hợp 1: thuộc các vụ việc không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.  Trường hợp này, bỏ qua bước 2 và chuyển sang bước 3.
- Trường hợp 2: các trường hợp còn lại (bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên) thì hòa giải viên tiến hành hòa giải trước khi yêu cầu
Tòa án giải quyết.
b) Bước 2: Hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải (Khoản 2, Khoản 3 Điều 201 Bộ luật Lao động)
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
- Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.
- Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng:
- Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.
- Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hòa giải, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.
- Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hòa giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.
Biên bản hòa giải (thành hoặc không thành) phải có chữ ký của các bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.
- Bản sao biên bản hòa giải (thành hoặc không thành) phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.
- Trong trường hợp hòa giải thành, hai bên có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ các thỏa thuận ghi trong biên bản hòa giải thành.
c) Bước 3: Yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết (Khoản 1, khoản 4 Điều 201 Bộ luật Lao động)
Mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu
Tòa án giải quyết tranh chấp khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Thuộc các vụ việc không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Hòa giải không thành.
- Hòa giải thành nhưng một bên hoặc cả hai bên trong không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
- Quá thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải.
3. Thời hiệu yêu cầu giải quyết (Điều 202 Bộ luật Lao động)
- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
- Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
III. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể
1. Thẩm quyền giải quyết
Điều 203 Bộ luật Lao động quy định về cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể như sau:
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền:
+ Hòa giải viên lao động.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Tòa án nhân dân.
- Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích:
+ Hòa giải viên lao động.
+ Hội đồng trọng tài lao động .
2. Trình tự, thủ tục giải quyết
Điều 204, Điều 205, Điều 206 Bộ luật Lao động quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể như sau:
- Phát sinh tranh chấp, thương lượng không thành và có nhu cầu giải quyết.
- Hòa giải viên lao động.
- Xác định loại tranh chấp để từ đó xác định thẩm quyền giải quyết và các bước tiếp theo:
- Tranh chấp về quyền:
- Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện
- Tòa án nhân dân
- Tranh chấp về lợi ích:
- Hội đồng trọng tài lao động:
- Tiến hành các thủ tục đình công
Bước 1. Các bên tự thương lượng hoặc thương lượng với sự hỗ trợ của bên thứ
ba - Thủ tục không có tính chất bắt buộc
(xem mục II.2 đã nêu ở trên).
Bước 2. Hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải (xem mục II.2 đã nêu ở trên).
Tuy nhiên lưu ý: tất cả các tranh chấp lao động tập thể đều phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.
Bước 3. Xác định loại tranh chấp.
- Cần xác định được tranh chấp thuộc loại tranh chấp lao động tập thể về quyền hay tranh chấp lao động tập thể về lợi ích để tiến hành các bước tiếp theo cho phù hợp.
- Hòa giải viên lao động hoặc Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp huyện có nghĩa vụ xác định loại tranh chấp:
- Đối với trường hợp đã tiến hành hòa giải bởi hòa giải viên lao động thì trong biên bản hòa giải (thành hoặc không thành) phải nêu rõ tranh chấp nào là lao động tập thể về quyền, tranh chấp nào là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích (Khoản 1 Điều 204).
- Đối với trường hợp chưa tiến hành
hòa giải bởi hòa giải viên lao động
(tức thuộc trường hợp: đã quá thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải) thì các bên có quyền gửi yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết (Khoản 3 Điều 204).
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải xác định rõ tranh chấp nào là tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp nào là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích (Khoản 3 Điều 204).
Bước 4a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân giải quyết đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền.
Điều 205 Bộ luật Lao động quy định giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
+ Trước tiên, một trong các bên yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành giải quyết tranh chấp.
+ Tại phiên họp giải quyết tranh chấp phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp huyện mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác để xem xét giải quyết tranh chấp.
+ Trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết.
Bước 4b. Hội đồng trọng tài lao động giải quyết đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Điều 206 Bộ luật Lao động quy định về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động như sau:
- Trước tiên, một trong các bên yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải, Hội đồng trọng tài lao động phải kết thúc việc hòa giải.
- Tại phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài lao động mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp.
+ Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm hỗ trợ các bên tự thương lượng. Trường hợp hai bên không thương lượng được thì Hội đồng trọng tài lao động đưa ra phương án để hai bên xem xét.
+ Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hòa giải thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành, đồng thời ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên và các bên phải có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận đã đạt được. Bản sao biên bản hòa giải phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.
 Sau thời hạn 5 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành, mà các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục đình công.
+ Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành. Bản sao biên bản hòa giải phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.
 Sau thời hạn 3 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành, thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục đình công.
V. Đình công
1. Định nghĩa đình công
- Đình công là sự ngừng việc tạm thời tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động (Khoản 1 Điều 209 Bộ luật Lao động).
- Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích (Khoản 2 Điều 209 Bộ luật Lao động).
2. Thời điểm để tập thể lao động có thể tiến hành các thủ tục đình công (Khoản 2 Điều 209 Bộ luật Lao động)
Tập thể người lao động chỉ được tiến hành các thủ tục đình công khi đó là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích đã và đang được giải quyết nhưng thuộc tình trạng, thời điểm:
- Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành, mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được; hoặc
- Sau thời hạn 03 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành.
3. Chủ thể tổ chức và lãnh đạo đình công
Điều 210 Bộ luật Lao động quy định về chủ thể tổ chức và lãnh đạo đình công như sau:
- Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban Chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.
- Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.
4. Trình tự, thủ tục tiến hành cuộc đình công
Sau khi đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố, điều kiện để tổ chức các thủ tục đình công thì Công đoàn xúc tiến và thực hiện các bước tổ chức và lãnh đạo tập thể lao động đình công (Điều 211 Bộ luật Lao động):
- Lấy ý kiến tập thể lao động;
- Ra quyết định đình công;
- Tiến hành đình công.
a) Công đoàn lấy ý kiến tập thể lao động
Điều 212 Bộ luật Lao động quy định về đối tượng, hình thức và nội dung lấy ý kiến tập thể lao động để đình công như sau:
- Đối tượng lấy ý kiến:
+ Đối với tập thể lao động có công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của thành viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và các
Tổ trưởng tổ sản xuất.
+ Nơi chưa có công đoàn thì lấy ý kiến của các tổ trưởng tổ sản xuất hoặc lấy ý kiến của của người lao động.
- Hình thức lấy ý kiến: bằng phiếu hoặc bằng chữ ký.
- Nội dung lấy ý kiến để đình công:
+ Phương án của Ban Chấp hành công đoàn về tổ chức cuộc đình công, gồm các nội dung: Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm; Đình công toàn bộ nơi sản xuất kinh doanh hoặc trong một bộ phận sản xuất kinh doanh; Yêu cầu của tập thể lao động.
+ Ý kiến của người lao động đồng ý hoặc không đồng ý đình công.
- Thời gian, hình thức và nội dung lấy ý kiến để đình công do Ban Chấp hành công đoàn quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất là 01 ngày.
b) Công đoàn ra quyết định đình công
Điều 213 Bộ luật Lao động quy định về quyết định đình công và nội dung, thời điểm, địa điểm... đình công như sau:
- Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án tổ chức đình công của Ban Chấp hành công đoàn đưa ra thì Ban Chấp hành công đoàn ra quyết định đình công bằng văn bản.
- Quyết định đình công bao gồm các nội dung:
- Kết quả lấy ý kiến đồng ý đình công;
- Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm;
- Đình công toàn bộ nơi sản xuất kinh doanh hoặc trong một bộ phận sản xuất kinh doanh;
- Yêu cầu của tập thể lao động;
- Họ tên của người đại diện cho Ban Chấp hành công đoàn và địa chỉ liên hệ để giải quyết.
- Ít nhất là 05 ngày làm việc, trước ngày bắt đầu đình công, Ban Chấp hành công đoàn gửi quyết định đình công nói trên cho: người sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, công đoàn cấp tỉnh.
- Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì Ban Chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo đình công.
c) Tiến hành đình công
Công đoàn tổ chức cho tập thể lao động ngừng việc theo đúng nội dung “Phương án/Quyết định đình công” đã được gửi cho người sử dụng lao động và các bên liên quan trước đó.
5. Quyền, nghĩa vụ của các bên trước, trong và sau đình công
Điều 214, Điều 218, Điều 219 Bộ luật Lao động quy định về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trước, trong và sau quá trình đình công như sau:
- Tiếp tục tiến hành thương lượng nhằm đạt tới thỏa thuận hoặc cùng đề nghị cơ quan lao động, Công đoàn và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở cấp tỉnh tiến hành hòa giải.
- Ban Chấp hành công đoàn có quyền rút quyết định đình công nếu chưa đình công hoặc chấm dứt đình công nếu đang đình công; yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp.
- Người sử dụng lao động có quyền:
- Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho Ban Chấp hành công đoàn tổ chức, lãnh đạo đình công;
- Đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian người lao động đình công do không có đủ nhân lực để duy trì hoạt động bình thường và phòng ngừa hành vi lợi dụng đình công phá hoại tài sản.
- Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp.
- Trước, trong và sau khi đình công, nghiêm cấm các bên thực hiện các hành vi sau (Điều 219 Bộ luật Lao động):
- Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công;
- Cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.
- Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.
- Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công;
- Điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công;
- Trù dập, trả thù đối với người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công;
- Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Tiền lương và các quyền lợi hợp pháp khác của người lao động trong thời gian đình công (Điều 218 Bộ luật Lao động):
- Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Bộ luật Lao động) và các quyền lợi khác theo quy định.
- Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
6. Đình công bất hợp pháp
Điều 215 quy định về những trường hợp đình công bất hợp pháp là:
- Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
- Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công.
- Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định.
- Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.
- Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.
7. Trường hợp không được đình công; hoãn, ngừng đình công
- Không được đình công ở đơn vị sử dụng lao động hoạt động thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân mà việc đình công có thể đe dọa đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, trật tự công cộng theo danh mục do Chính phủ quy định (Điều 220 Bộ luật Lao động).
- Hoãn hoặc ngừng cuộc đình công: khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn hoặc ngừng đình công và giao cho cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền giải quyết (Điều 221 Bộ luật Lao động).
8. Xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục (Điều 222 Bộ luật Lao động)
- Cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục là cuộc đình công thuộc một trong những trường hợp:
- Không lấy ý kiến tập thể lao động về đình công hoặc có lấy ý kiến tập thể lao động về đình công nhưng vi phạm trình tự, thủ tục lấy ý kiến: vi phạm thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động; lấy ý kiến không đúng, không đủ về đối tượng, số lượng, tỷ lệ, hình thức, nội dung... (Điều 212 Bộ luật Lao động).
- Không thông báo thời điểm bắt đầu đình công hoặc có thông báo thời điểm bắt đầu đình công nhưng vi phạm về hình thức thông báo, thời gian báo trước, không gửi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định... (Điều 213 Bộ luật Lao động)
- Thầm quyền xử lý: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Trình tự, thủ tục xử lý:
- Khi cuộc đình công diễn ra mà vi phạm về trình tự, thủ tục, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tuyên bố cuộc đình công vi phạm trình tự thủ tục và thông báo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được thông báo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, công đoàn cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên để nghe ý kiến và hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.
9. Xét tính hợp pháp của cuộc đình công
Điều 223, Điều 225, Điều 227, Điều 232, Điều 234 Bộ luật Lao động quy định về thẩm quyền và thủ tục giải quyết đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công như sau:
- Thẩm quyền xử lý: Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao.
- Trình tự, thủ tục xử lý:
- Trong quá trình đình công hoặc trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt đình công, mỗi bên có quyền nộp đơn đến Tòa án yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công (Khoản 1 Điều 223).
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Tòa án phải ra quyết định đưa việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công ra xem xét và gửi ngay quyết định này cho các bên (Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Lao động).
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Tòa án phải mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công (Khoản 3 Điều 227 Bộ luật Lao động).
- Sau khi xem xét, Tòa án phải đưa ra quyết định kết luận về tính hợp pháp của cuộc đình công.
Lưu ý: Trong trường hợp Tòa án công bố quyết định cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc (Khoản 2 Điều 232 Bộ luật Lao động).
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công, hai bên có quyền gửi đơn khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao. Ngay sau khi nhận đơn khiếu nại, Tòa án nhân dân tối cao phải có văn bản yêu cầu Tòa án đã xét tính hợp pháp của cuộc đình công chuyển hồ sơ vụ việc để xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án đã ra quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công phải chuyển hồ sơ vụ việc lên Tòa án nhân dân tối cao. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Hội đồng giải quyết khiếu nại đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công. Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng về xét tính hợp pháp của cuộc đình công (Điều 234 Bộ luật Lao động).
 
 Tags: lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây