Nhận diện hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại

Thứ ba - 24/06/2014 05:38
Do đặc trưng riêng của hệ thống nhượng quyền thương mại nên một số hoạt động được thực hiện bởi các chủ thể trong hệ thống có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh. Ví dụ như những thỏa thuận về độc quyền lãnh thổ, thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm các đối thủ cạnh tranh không thuộc hệ thống…Tuy nhiên, ở một mức nhất định, sự tồn tại của những hành vi này là cần thiết để đảm bảo duy trì tính đồng bộ của hệ thống và đảm bảo quyền lợi cho các bên trong quan hệ nhượng quyền. 
Nhưng nếu các bên trong quan hệ nhượng quyền đặt ra những quy định, điều kiện đi quá xa mục đích trên thì những hành vi này không chỉ mang dấu hiệu mà thực sự thật sự đã gây cản trở cho sự cạnh tranh nói chung và cho lợi ích của hệ thống nhượng quyền nói riêng. Ví dụ như thỏa thuận ấn định sản lượng cung cấp, thỏa thuận ấn định giá mua bán bất hợp lý….Như vậy có thể nói, trong hệ thống nhượng quyền thương mại luôn tồn tại song song hai dạng hành vi có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh.

1. Dạng thứ nhất là những hành vi có nội dung hạn chế cạnh tranh nhưng xét trên khía cạnh cân bằng lợi ích thì việc hạn chế cạnh tranh này chỉ trong giới hạn cần thiết để tạo điều kiện duy trì và phát triển hệ thống, từ đó làm tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong cùng hệ thống với các đối thủ cạnh tranh ngoài hệ thống nhượng quyền. Ví dụ về một số thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong nhượng quyền thương mại được chấp nhân:Một là, bên nhận quyền không được thiết lập quan hệ trong cùng một lĩnh vực thương mại với bên thứ ba nếu quan hệ này có khả năng gây ra cạnh tranh giữa bên thứ ba và bên nhượng quyền thương mại; Hai là, các bên có thể cùng nhau thỏa thuận giao kết một hợp đồng nhượng quyền thương mại độc quyền; Ba là, các bên có quyền từ chối giao dịch thương mại với các bên thứ ba nếu như việc thực hiện giao dịch này có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống nhượng quyền thương mại, Bốn là, các bên phải thực hiện một cách tốt nhất những phương pháp, cách thức để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền thương mại.

2. Dạng thứ hai là các hành vi hạn chế cạnh tranh có tác động làm cản trở cạnh tranh và có tác động xấu tới sự phát triển của nền kinh tế.. Đối với dạng hành vi này, mặc dù bên thực hiện lấy lý do để duy trì cấu trúc và đảm bảo sự hoạt động đồng bộ của hệ thống nhưng về bản chất, hành vi hạn chế cạnh tranh không tác động tới hệ thống nhượng quyền mà gây tổn hại trực tiếp cho các chủ thể trong hệ thống đồng thời có thể ngăn cản, kình hãm cả các đối thủ nằm ngoài hệ thống. Như vậy, đây là các hành vi làm hạn chế cạnh tranh và không mang lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung. Các hành vi dạng này có thể được nhận biết một cách rõ ràng và cấm tuyệt đối như : cấm giao hàng cho người tiêu dùng ngoài lãnh thổ được quy định trong hợp đồng; cấm bên nhận quyền có khả năng mua hàng hóa thay thế của người khác trong một số trường hợp ngoại lệ, ví dụ, trong trường hợp bên nhận quyền hết hàng dự trữ, tuy nhiên bên nhượng quyền không có hàng hóa để cung cấp cho họ… Bên cạnh đó, một số hành vi trong hoạt động nhượng quyền thương mại chỉ có thể gây hạn chế cạnh tranh nếu hành vi đó được thực hiện bởi các chủ thể có thị phần đáng kể xác định trên thị trường liên quan. Trong nhiều trường hợp, những hành vi hạn chế cạnh tranh này rất khó nhận biết. Ví dụ như trong trường hợp các thỏa thuận bán kèm trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Đây có thể được các bên viện dẫn lý do để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền thương mại, đảm bảo việc duy trì một hình ảnh, mẫu mã hay mùi vị, chất lượng, sản phẩm thống nhất trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, có những thỏa thuận bán kèm được cho rằng không liên quan tới tính đồng bộ của hệ thống. Đơn cử: Trong án lệ Siegel v Chicken Delight, Inc (2), Chicken Delight đã tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại thiết lập các cửa hàng bán thức ăn mang thương hiệu Chicken Delight cho các bên nhận quyền, và không thu phí nhượng quyền cũng như phí bản quyền. Tuy nhiên Chicken Delights yêu cầu các bên nhận quyền phải mua các dụng cụ nấu ăn, bao bì đóng gói thức ăn và một số vật liệu khác của Chicken Delight với giá cao hơn giá các sản phẩm cùng loại mà các nhà cung cấp khác bán ra. Tòa án phúc thẩm liên bang cho rằng điều khoản ràng buộc bán kèm trong hợp đồng nhượng quyền thương mại của Chicken Delight là vi phạm pháp luật cạnh tranh. Việc xem xét đánh giá tính bất hợp lý của một thỏa thuận bán kèm phải được xem xét trên nhiều yếu tố, từ đó mới có thể kết luận đây có phải hành vi hạn chế cạnh tranh.
Có thể nhận thấy, do tính chất đặc biệt về tổ chức và cách thức hoạt động nên việc xem xét, đánh giá và nhận diện các hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại đòi hỏi phải được nhìn nhận một cách mềm dẻo, linh hoạt để đảm bảo cho sự vận hành tốt của hệ thống đồng thời không làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh chung của thị trường./.

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây