Tăng tiền lương đóng BHXH - Hành động của doanh nghiệp và người lao động

Thứ hai - 02/10/2017 00:33
Tăng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là điểm thay đổi có thể nói là quan trọng nhất của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và là yếu tố thu hút sự quan tâm nhiều nhất của doanh nghiệp, người lao động trong thời gian gần đây.  
 
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Dung
   Trước khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực (ngày 01/01/2016), doanh nghiệp và người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương ghi trên hợp đồng lao động miễn không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. 
Kể từ 01/01/2016, BHXH sẽ được đóng căn cứ trên mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Và từ 01/01/2018, tiền lương đóng BHXH dựa trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung ghi trên hợp đồng lao động.[1]
Từ ngày 01/01/2016, mức đóng BHXH mỗi tháng của doanh nghiệp là 22%, người lao động là 8% trên tiền lương đóng BHXH. Tỷ lệ này không thay đổi so với quy định trước đây[2]. Từ ngày 1-7-2016, mức quỹ đóng BHXH của doanh nghiệp sẽ được giảm 1% trên quỹ tiền lương đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, thực chất, mức giảm này chỉ là sự di chuyển quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Luật BHXH sang bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.[3]
   


1.   Tác động của quy định mới
1.1  Đối với doanh nghiệp
Từ 01/01/2016, quy định mới về tiền lương đóng BHXH gây ảnh hưởng đến đa số doanh nghiệp. Vì sao là đa số mà không phải là tất cả?
Đối với những doanh nghiệp từ trước đã đóng BHXH trên mức lương thực nhận của người lao động, không quy định phụ cấp, khoản bổ sung thì quy định trên của Luật BHXH dường như không không tác động đến doanh nghiệp, người lao động. Việc đóng BHXH chỉ thay đổi dựa trên chính sách tăng lương của doanh nghiệp phù hợp quy định pháp luật về tiền lương.
Đối với những doanh nghiệp mà trước 01/01/2016, mức lương trên hợp đồng lao động chỉ bằng lương tối thiểu vùng (cộng với 7% lương tối thiểu vùng đối với lao động đã qua học nghề); nhiều khoản thu nhập được doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận đưa vào phụ cấp, các khoản bổ sung khác để không phải đóng BHXH trên khoản này, thậm chí phụ cấp cao hơn cả lương thì chịu tác động không nhỏ về chi phí bởi chính sách nêu trên.
1.2 Đối với người lao động
Đối với người lao động trước đây vẫn đóng BHXH trên lương thực nhận thì từ 01/01/2016, việc đóng BHXH theo quy định mới tác động không đáng kể đến họ. Phần tiền đóng BHXH tăng thêm tương ứng với phần lương được nhận thêm theo quy định về tăng lương. Về lương hiện tại và các chế độ được hưởng trong tương lai từ việc đóng BHXH đều được đảm bảo. Do đó, quy định mới có thể là tin vui.
Đối với những lao động mà thu nhập trước đây phụ thuộc nhiều vào các khoản phụ cấp thì việc tăng tiền đóng BHXH bao gồm phụ cấp khiến người lao động phải lo ngại vì lương thực nhận sẽ ít hơn.

2.   Doanh nghiệp bị tác động và người lao động – phản ứng và hành động
2.1 Doanh nghiệp
Doanh nghiệp than khó vì chi phí bảo hiểm phát sinh quá cao. Đối với những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, nếu tuân thủ quy định mới thì tiền đóng BHXH phát sinh từ 01/01/2016 sẽ thực sự là một con số khiến doanh nghiệp lo ngại.
Phương án của doanh nghiệp nhằm hạn chế thấp nhất tiền lương đóng BHXH:
i.Từ nay đến trước 01/01/2018 thì các khoản bổ sung sẽ không phải đóng BHXH[4]. Do đó, doanh nghiệp tiến hành chuyển những khoản phụ cấp hiện có thành khoản bổ sung (cắt/giảm phụ cấp lương đồng thời với việc tăng các khoản bổ sung) để không phải đóng BHXH với những khoản này. Phương án này chỉ có thể thực hiện nếu đạt được thỏa thuận với người lao động vì những thỏa thuận này đã được ghi nhận tại hợp đồng lao động, doanh nghiệp không thể tự ý quyết định. Kết quả thỏa thuận phụ thuộc vào quan điểm của người lao động về việc muốn giảm khoản trích đóng BHXH để được nhận tiền hàng tháng nhiều hơn hay muốn đóng BHXH trên lương thực nhận để sau này hưởng các chế độ liên quan tốt hơn.
Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản phụ cấp đều có thể chuyển thành khoản bổ sung bởi Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH quy định rõ tiêu chí để xác định phụ cấp lương liên quan đến các khoản: bù đắp yếu tố điều kiện lao động, bù đắp yếu tố tính chất phức tạp công việc, bù đắp các yếu tố điều kiện sinh hoạt; bù đắp các yếu tố để thu hút lao động. Trong khi đó, các khoản bổ sung như tiền ăn ca, tiền xăng xe, các khoản hỗ trợ, … chỉ là một phần nhỏ trong cơ cấu tiền lương nên việc thay thế phụ cấp bằng khoản bổ sung để đảm bảo thu nhập của người lao động là điều không dễ. Nếu doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận thay đổi cơ cấu tiền lương không phù hợp quy định pháp luật về tính chất, mục đích chi trả thì cũng sẽ không được cơ quan bảo hiểm, thuế chấp nhận.
Thực tế, doanh nghiệp có thể chuyển các khoản phụ cấp thành tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động 2012 vì pháp luật không giới hạn mức thưởng. Doanh nghiệp và người lao động không phải đóng BHXH đối với tiền thưởng[5]. Tuy nhiên, phương án này gặp phải một số vấn đề:
Để chấp nhận là khoản thưởng thì khoản chi trả này phải được quy định cụ thể tại một trong các văn bản của doanh nghiệp: hợp đồng lao động; nội quy lao động; quy chế lương, thưởng,…[6]Điều đó đồng nghĩa với việc quy chế thưởng phải được ghi nhận trong các văn bản trước khi thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 103 BLLĐ thì tiền thưởng phải căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc của người lao động và kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể biết trước kết quả sản xuất kinh doanh vào đầu năm làm căn cứ thực hiện việc thưởng hàng tháng cho người lao động được. Doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế thưởng căn cứ vào kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong năm trước để thực hiện thưởng trong năm sau và thay vì thưởng một lần thì chi trả hàng tháng; hoặc xây dựng quy chế thưởng theo quy định pháp luật và tiến hành tạm chi thưởng hàng tháng, cuối năm căn cứ vào kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động cả năm để tổng kết và quyết toán. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay không đề cập đến vấn đề này và chúng ta chưa thể biết quan điểm của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đối với các phương án nêu trên.
Hơn nữa, nếu thỏa thuận với người lao động chuyển các khoản phụ cấp thành khoản thưởng thì mức thưởng là cố định. Việc này dẫn đến khoản thưởng hàng tháng không còn mang đúng bản chất thưởng theo quy định tại Điều 103 BLLĐ. Do đó, khoản thưởng này của doanh nghiệp có thể không được các cơ quan BHXH, thuế chấp nhận.
Vì thế, doanh nghiệp thực hiện phương án trên để giảm khó khăn trước mắt của doanh mà không biết có được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hay không. Và phương án trên sẽ không còn khả thi kể từ ngày 01/01/2018.
ii.Lương đóng BHXH không bao gồm lương làm thêm giờ, lương làm việc ban đêm[7]. Do đó, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động về việc ngoài lương tối thiểu vùng làm cơ sở đóng BHXH thì doanh nghiệp sẽ trả lương dưới danh nghĩa là lương làm thêm giờ, lương làm việc ban đêm thay cho các khoản phụ cấp, bổ sung.
Phương án này bị hạn chế bởi giới hạn về giờ làm thêm tối đa trong năm. Doanh nghiệp chỉ có thể cơ cấu trả lương làm thêm giờ mức tối đa tương ứng với giới hạn tối đa về giờ làm thêm (200 giờ/năm). Đồng thời, phụ thuộc vào đặc thù ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nên không phải công việc nào cũng có thể tổ chức làm thêm, làm ban đêm.

2.2 Người lao động

Xét dưới góc độ lập pháp và quan điểm của các cơ quan BHXH, áp dụng quy định tăng tiền đóng BHXH thì quyền lợi của người lao động sẽ tăng bởi mức hưởng sau này dựa trên mức đóng và thời gian đóng. Khi đóng BHXH dựa trên tiền lương đóng BHXH càng cao thì mức hưởng các chế độ sau này sẽ càng nhiều.
Tuy nhiên, với những lao động có thu nhập thấp, lương phụ thuộc nhiều vào phụ cấp thì cuộc sống hiện tại sẽ khó khăn hơn vì lương thực nhận bị giảm. Lợi ích trong tương lai từ việc đóng BHXH đối với họ có thể nói là quá xa vời. Đồng thời, cũng đã có những sự tính toán cho thấy với tốc độ lạm phát và lãi suất tiền gửi ngân hàng như hiện nay thì lợi ích người lao động nhận được từ việc tăng tiền đóng BHXH trong tương lai với chi phí bỏ ra hiện tại để đóng BHXH là không tương xứng. Đó là lý do nhiều người lao động chấp nhận với những phương án của doanh nghiệp như đã nêu trên nhằm hạn chế mức thấp nhất tiền đóng BHXH và đảm bảo lương thực nhận hiện tại.

3.  Cơ chế thực thi quy định BHXH mới
Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 10/10/2013. Theo đó, đối với các hành vi không đóng, đóng không đúng thời gian quy định, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt tiền đến mức tối đa là 75.000.000 đồng.
Từ 01/7/2016, vi phạm quy định về BHXH còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự 2015: có thể phạt đến 5-7 lần số tiền trốn đóng BHXH và phạt tù lên đến 7 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ/hành nghề từ 01 – 05 năm đối với cá nhân vi phạm; có thể phạt đến 10 lần số tiền trốn đóng BHXH và tước giấy phép/đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân vi phạm.
Đồng thời, Luật BHXH 2014 chính thức có hiệu lực từ 01/01/2016 giao quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt cho ngành BHXH thì việc thanh tra sẽ được đẩy mạnh.
Đây được coi là những chế tài “đủ mạnh” để xử lý việc vi phạm quy định đóng BHXH như hiện nay. Trước khả năng bị xử lý hình sự, các doanh nghiệp cần cân nhắc một cách thận trọng trong các quyết định của mình về việc đóng BHXH cho người lao động.
Cơ sở pháp lý
-   Luật BHXH 2014;
-   Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội 2014;
-   Bộ luật lao động 2012;
-    Nghị định 05/2015/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ luật lao động 2012;
-   Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP;
-    Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015;
-    Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội;
-    Bộ luật hình sự 2015;
-    Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
 

[1] Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội 2014
[2] Điều 5 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015
[3] Điều 44 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[4] Khoản 1 Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ luật lao động 2012 và Điều 3 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP
[5] Khoản 1 Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ luật lao động 2012 và Điều 3 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP
[6] Mục 2.6 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi mục 2.5 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC           
[7] Khoản 2 Điều 89, Điều 93 Bộ luật lao động 2012

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Tăng tiền lương đóng BHXH - Hành động của doanh nghiệp và người lao động nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Tăng tiền lương đóng BHXH - Hành động của doanh nghiệp và người lao động chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Dung – VPLS Tô Đình Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây